Kinh tế số

Những “mỏ vàng” thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam tăng tốc trong năm 2021

DNVN - Mạng xã hội hóa và thanh toán kỹ thuật số, bán sỉ online hay thương mại điện tử xuyên biên giới được dự báo là những “mỏ vàng” làm cho thương mại điện tử sẽ thay đổi trong năm 2021.

Sau 4 năm thanh toán di động tăng trưởng hơn 1.000% / Nghề nuôi yến sào doanh thu 3.000 tỷ đồng/năm: Rất cần ứng dụng giải pháp công nghệ để phát triển bền vững


Nhìn lại năm 2020, có thể thấy một cách rõ ràng rằng COVID-19 chính là một động lực cực mạnh thúc đẩy ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Theo công ty phân tích số liệu App Annie công bố hồi tháng 9/2020, số lượt sử dụng các ứng dụng mua sắm trên Android ở Việt Nam tăng đến 43% trong vòng 3 tháng, đạt 12,7 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay.
Những nỗ lực của các công ty thương mại điện tử trong việc xây dựng và phát triển mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng trong đại dịch COVID-19.
Nhưng điều tiếp theo đó là gì? Khi người tiêu dùng đã đồng loạt cài đặt ứng dụng mua sắm và mở tài khoản trực tuyến thì thị trường TMĐT sẽ hướng đến đâu tiếp theo? Quan trọng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể trông đợi điều gì từ ngành TMĐT trong năm 2021?
Đây là 3 dự đoán dựa trên phân tích dữ liệu bởi nhóm nghiên cứu tại công ty công nghệ thương mại điện tử Seal Commerce Asia.

1. “Mạng xã hội hóa” và thanh toán kỹ thuật số
Sự gia tăng thần tốc trong mức độ sử dụng ứng dụng di động như đã nói đang tạo ra những thay đổi lớn về công nghệ cho thương mại điện tử.
Điểm đáng chú ý nhất nằm ở hai công nghệ: Social commerce (thương mại điện tử thông qua hoạt động mạng xã hội) và thanh toán kỹ thuật số trong thương mại điện tử.
Các tính năng này từ ít nhất 2019 đã là chiến lược quan trọng của toàn ngành.
Mọi công ty thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước đều muốn giảm lượng thanh toán bằng tiền mặt. Thanh toán tiền mặt khi nhận hàng tiện lợi cho khách nhưng là một nguy cơ lớn cho các bên bán hàng, ảnh hưởng xấu đến dòng tiền của họ.
Còn social commerce, đi kèm với quảng cáo sử dụng người ảnh hưởng (influencers), ngày càng cho thấy hiệu quả cao trong việc lôi kéo và thuyết phục các khách hàng khó tính.
Nhưng phải đến 2020 thì sự phổ cập của hai công nghệ này mới được tăng tốc đáng kể khi nó song hành cùng lượng người sử dụng ứng dụng di động tăng vọt.
Trong năm 2020, công ty thanh toán kỹ thuật số VNPay đã đạt được vị thế kỳ lân (tức được định giá hơn 1 tỷ USD), trong khi đối thủ của họ là MoMo cũng thu được 10 triệu người dùng mới, tăng gấp đôi số người dùng.
Trong lễ hội mua sắm kéo dài từ 1-11/11/2020, lượt xem livestream trên LazLive của Lazada tăng gấp 20 lần năm trước. Tổng số đơn hàng thành công qua hoạt động livestream tăng 70 lần so với năm ngoái. Số thương hiệu và nhà bán hàng tham gia livestream tăng 120%.
Trong khi đó, Shopee ghi nhận hoạt động livestream trên ứng dụng này đạt 450 triệu lượt xem trên toàn khu vực.
Những con số ấn tượng này cho thấy mức phát triển thần tốc của hai công nghệ này trong năm 2020. Tận dụng tốt được các công nghệ và xu hướng này, cả hai sẽ là “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp và nhà bán hàng trong thời gian tới.
2. Kỷ nguyên bán sỉ online
Thương mại điện tử Việt Nam từ trước đến nay là sân chơi của những tập đoàn Thương mại điện tử mảng B2C (kết nối nhà bán lẻ và khách hàng cá nhân). Nhưng bắt đầu từ năm 2020, ngày càng nổi rõ lên các cơ hội cho Thương mại điện tử B2B (kết nối nhà cung ứng và nhà bán lẻ).
Giữa các biến động thị trường, nhiều nhà cung ứng sỉ manh nha chuyển các hoạt động bán hàng lên trực tuyến. Đơn cử như công ty nông sản Hiệp Nông và công ty chế biến thực phẩm Mega Việt trước đây chủ yếu phân phối hàng sỉ qua các chuỗi siêu thị, trong năm 2020 cùng mở rộng bán hàng lên Lazada.
Mặt khác, các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống, chiếm đến 85% thị trường bán lẻ FMCG ở Việt Nam, lại ngày càng thông thạo hơn với các ứng dụng công nghệ.
Hai yếu tố này kết hợp với nhau đã mở ra một cánh cửa mới cho Thương mại điện tử B2B tại Việt Nam. Công ty Forrester Research đã dự báo rằng:Thương mại điện tử B2B trong khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng ở mức 12,1% mỗi năm, với các chợ TMĐT B2B là cốt lõi của việc thay đổi hành vi của người mua.
Đó là lý do tại sao riêng trong năm 2020, hoạt động TMĐT B2B liên tục có các điểm nhấn tích cực.
Telio, được cho là nền tảng Thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam, huy động được 25 triệu USD trong vòng Series A và công bố doanh thu trung bình tăng 160%/quý.
Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt VinShop, cung cấp cho các chủ cửa hàng một nền tảng đặt hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp và đại lý. VinShop cũng công bố con số ấn tượng 30.000 tiệm tạp hóa liên kết sau chỉ một tháng ra mắt.
Các mô hình B2B kết nối giữa nhà cung cấp và các cửa hàng tạp hóa vốn đã đạt công lớn tại Ấn Độ và Indonesia.
Tuy nhiên, mô hình này tại Việt Nam khó có thể sao chép hoàn toàn từ nước bạn.
Các công ty Thương mại điện tử B2B thường hứa hẹn ba lợi ích cho các chủ cửa hang tạp hóa là: Nhập hàng nhanh chóng và dễ dàng, tìm kiếm và đặt hàng ngay lập tức từ nhiều nhà cung cấp, và hỗ trợ tài chính.
Mặc dù trên lý thuyết thì những ưu đãi này có vẻ thật tuyệt vời, nhưng trên thực tế chưa chắc đã quá hấp dẫn đối với các chủ cửa hàng truyền thống. Các chủ cửa hàng truyền thống tại Việt Nam có quyền lựa chọn và nhận chiết khấu trực tiếp từ nhà cung cấp, việc phải nhập hàng qua trung gian sẽ làm mất đi sự tự do này của họ.
Do đó, việc xâm nhập thị trường sẽ là mục tiêu chính của các công ty Thương mại điện tử B2B vào năm 2021. Liệu giải pháp sẽ là khuyến mãi dày và liên tục như Thương mại điện tử B2C? Câu trả lời sẽ có trong năm 2021.
3. Thương mại điện tử xuyên biên giới hưởng lợi
Tương tự như tại Việt Nam, TMĐT tại các quốc gia phương tây cũng trải qua mức tăng trưởng cao chưa từng thấy giữa tình hình đại dịch: Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số thương mại điện tử trong quý 2 năm 2020 tăng 44,5% so với cùng kỳ 2019.
Năm 2020, Amazon cũng công bố các nhà bán hàng Việt Nam đạt doanh số vượt mốc 1 triệu USD trên nền tảng này, tăng gấp ba lần so với năm 2019.
Dữ liệu độc quyền của EcomSolid thuộc Seal Commerce Asia cho biết trong năm 2020, số cửa hàng mới do người bán từ Việt Nam mở trên Shopify - nền tảng thương mại điện tử phổ biến ở Mỹ, nhiều hơn 84% so với năm 2019.
Với tình hình đại dịch không khả quan hơn cho Châu Âu và Mỹ vào đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân này có vẻ sẽ còn tiếp tục.
Các con số đó cho thấy là việc bán hàng xuyên biên giới (thông qua Shopify, Amazon, eBay, hoặc các nền tảng khác) đến các khách hàng phương Tây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, vừa tạo điều kiện vừa hưởng lợi từ các hoạt động bán hàng xuyên biên giới này còn có các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ thương mại điện tử.
Chỉ riêng trên Shopify, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều sản phẩm công nghệ hỗ trợ cho người bán hàng đến từ các công ty khởi nghiệp ở các nước ASEAN.
Có những công cụ hỗ trợ xây dựng cửa hàng trực tuyến như Gempages và EcomSolid, các dịch vụ tiếp thị như Beeketing và LitExtension, và công nghệ hậu cần như Parcel Perform.
Với nền tảng nhân lực công nghệ dồi dào, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ cuộc chơi này.
Đặng Đăng Trường - Tạ Nguyên Hường (Seal Commerce Asia Team)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm