Kinh tế số

Phát triển đô thị thông minh tại Long An: Người dân, doanh nghiệp đều hưởng lợi

DNVN - Mục đích chính của việc xây dựng đô thị thông minh tại Long An nhằm hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trong thời đại công nghệ số 4.0.

Viettel sẵn sàng triển khai đồng loạt 35 trạm thu phí không dừng ePass vào 29/12 / Từ 28/12, MobiFone chính thức cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại TP.HCM

Xu thế phát triển tất yếu

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, trong đó đến năm 2020, cả nước có ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng, phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu chính của việc xây dựng đô thị thông minh nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.

Các nguyên tắc định hướng của xây dựng đô thị thông minh đó là tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn lắng nghe, nắm bắt, phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển và huy động mọi nguồn lực.

Long An xây dựng đô thị thông minh thí điểm tại TP Tân An.

Long An xây dựng đô thị thông minh thí điểm tại TP Tân An.

Đặc biệt, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (wifi, 4G/5G), điện thoại thông minh, Big data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích đến người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định, thành phố thông minh là một xu thế không thể đảo ngược, là giải pháp tối ưu giải quyết các vấn đề của đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn hơn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ của Chính phủ, chính quyền các cấp mà cần sự ủng hộ, đồng hành và vào cuộc mạnh mẽ của tất cả người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng Tân An là đô thị thông minh xứng tầm khu vực

Xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Long An đang nỗ lực thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, tạo môi trường để người dân tham gia xây dựng chính quyền và quản lý xã hội…

Nhằm xây dựng đô thị này trở thành thành phố thông minh, UBND tỉnh Long An cho biết, trong giai đoạn 1 sẽ triển khai thực hiện tại TP Tân An. Theo đó, tỉnh sẽ chi nguồn kinh phí gần 127 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục chính gồm: nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và giao thông; triển khai nền tảng đô thị thông minh (SCP); xây dựng Trung tâm điều hành thông tin (IOC) tập trung, đa nhiệm của tỉnh và một số ngành trọng yếu; triển khai Hệ thống ứng dụng công dân (eCitizen).

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, Long An bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh, Long An bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.

Đồng thời, phát triển các dịch vụ đô thị thông minh như: Dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát giao thông, an ninh trật tự; dịch vụ giám sát, điều hành dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, hành chính công; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng…

Việc đầu tư các hạng mục trên nhằm đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, nền tảng dùng chung đáp ứng việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội số, từ đó tăng cường gắn kết, tương tác giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, tỉnh bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh buớc đầu đạt nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết hợp chức năng ký số trên văn bản điện tử từ tỉnh đến huyện, xã. Hệ thống một cửa liên thông theo mô hình Trung tâm Hành chính công được triển khai đồng bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thư điện tử và nhiều ứng dụng chuyên ngành, góp phần phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An cho biết, lộ trình thực hiện đô thị thông minh sẽ được phân kỳ thành từng năm; trong đó: từ năm 2021, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ về xây dựng hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng cho đô thị thông minh, hạ tầng xã hội, thử nghiệm một số dịch vụ thông minh như giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, phản ánh hiện trường, xây dựng Trung tâm điều hành thông tin tập trung đa nhiệm và Trung tâm điều hành thành phố thông minh cho TP Tân An, xây dựng hệ thống phản ánh hiện trường.

Năm 2022, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tiếp tục phát triển hạ tầng xã hội, phát triển các dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường. Năm 2023, sẽ hoàn thiện hạ tầng xã hội và các dịch vụ đô thị thông minh trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường. Và từ năm 2024 đến 2025, Long An sẽ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2030.

Hiện, UBND tỉnh Long An có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ TP Tân An triển khai thí điểm theo Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Đây chính là bước đệm nhằm mang lại những hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả…

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm