Tin tức - Sự kiện

Kinh tế suy giảm, tham nhũng thách đố

Nền kinh tế trên đà suy giảm, trong khi tệ nạn tham nhũng, lãng phí với nhiều mặt nạ khác nhau như thách đố kỷ cương phép nước; các doanh nghiệp Nhà nước được nuông chiều như những công tử nhưng rồi để lại gánh nặng nợ nần, trong khi khối doanh nghiệp dân doanh phải vật lộn trong khó khăn…

Đây là những bức xúc của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường ngày 7/6.

 

Thất vọng các “Vina”

 

 

Nhiều đại biểu quốc hội bức xúc trước tình trạng lãng phí, thất thoát trong các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn kinh tế. Các đại biểu Quốc hội: Lê Như Tiến (Quảng Trị), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) và Lê Thị Yến (Phú Thọ) cùng đặt câu hỏi lo lắng: “Sau Vinashin, Vinalines, còn xuất hiện các “Vina” nào nữa?”.

 

Đại biểu Lê Như Tiến thông tin: các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên đến 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hằng năm của quốc gia, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước.

 

Ông Tiến nhận xét, một số “quả đấm thép” đang tan chảy, và đặt câu hỏi, phải chăng do Nhà nước quá nuông chiều các “công tử” này, sẵn sàng cung ứng "bầu sữa" ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này. Mỗi khi doanh nghiệp "hoạn nạn", Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài ?.

 

Cùng chung bức xúc này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh, chúng ta đã phải trả giá rất đắt, không chỉ hàng nghìn tỷ đồng mà còn rất nhiều cán bộ chủ chốt.

 

Trả lời các đại biểu Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói: từ cuối 2011 và đầu 2012, thanh tra Chính phủ đã thanh tra tập đoàn Sông đà, tập đoàn Hóa chất, tập đoàn Viettel, tập đoàn Dầu khí và tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trên 30.000 tỉ đồng.

 

Trong đó vi phạm thuộc năm dạng: sai quy trình thủ tục; sai thẩm quyền, tức không được làm nhưng lại làm; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến lợi nhuận không đúng; trình độ quản lí doanh nghiệp còn yếu kém dẫn đến vi phạm kinh tế, vi phạm pháp luật.

 

“Tuy nhiên chưa phát hiện thất thoát với nguồn vốn này, đồng thời các vụ vi phạm pháp luật thì có hai vụ và thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra làm rõ, đó là đầu tư nhà máy xi măng Đồng Bành tại tập đoàn Sông đà và một vụ mua ụ nổi tại tổng công ty Hàng hải Việt Nam”, ông Tranh nói.

 

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thông tin thêm, đến cuối 2010, các tập đoàn có tổng tài sản 1.799 ngàn tỉ đồng, nợ phải trả 1.088 ngàn tỉ đồng, như vậy vốn sở hữu bằng 40%, tức cứ 100 đồng thì 60 đồng đi vay. “Tỉ lệ chưa phải cao, nhưng xét trong các nền kinh tế đang phát triển thì cũng không phải thấp”, ông Huệ nói.

 

Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2010, lợi nhuận của 12 tập đoàn, tổng công ty đã là 162.910 tỉ, tăng 66% so với 2009; dù có một số tập đoàn lỗ phát sinh trong năm 2010 là 1.116 tỉ, lỗ lũy kế đến hết năm 2010 là hơn 26.000 tỉ đồng. Trong đó có doanh nghiệp lỗ thực tế do làm ăn yếu kém, song cũng có doanh nghiệp lỗ do yếu tố giá như EVN.

 

Không giảm thuế

 

 

Do nợ xấu nhiều nên Habubank phải sáp nhập với SHB. 

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về điều kiện tiếp cận vốn, về chi phí vốn và đặc biệt là về thị trường đầu ra. Nguyên nhân chính được nhiều đại biểu Quốc hội mổ xẻ, đó là hệ quả của những giải pháp kiềm chế lạm phát, đặc biệt là chính sách giảm tổng cầu quá nhanh, mạnh; chính sách tín dụng thắt quá chặt khiến giá vốn quá đắt đỏ, điều kiện tiếp cận ngặt nghèo.

 

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) dẫn chứng: dư nợ tín dụng năm tháng đầu năm nếu trừ đi lượng mua trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thì vẫn âm 0,83%. Do đó, theo đại biểu Quốc hội, Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục giảm lãi suất tín dụng; đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo, tăng đầu tư cho công tác an sinh xã hội…

 

Tuy nhiên, các đại biểu còn nhiều quan điểm khác nhau, giữa một bên là tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khoán thận trọng, cảnh giác với lạm phát, ổn định vĩ mô; một bên là nới lỏng tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

 

Đứng giữa hai luồng ý kiến này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “không ủng hộ phương án hy sinh, dù là tăng trưởng hay lạm phát” mà phải hài hòa giữa các mục tiêu này. Ông nhận định, dư địa chính sách của chúng ta còn rộng rãi hơn so với năm 2011.

 

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư từ ngân sách chỉ đạt khoảng 12.700 tỷ đồng mỗi tháng. Do vậy, mỗi tháng còn lại đến hết năm 2012, riêng lượng vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ có thể rót ra thị trường khoảng hơn 21.000 tỷ đồng, cộng với đó là nguồn vốn tín dụng khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi tháng (trong điều kiện tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ cần đạt 12% thay vì 15 – 17% như mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước).

 

Tuy nhiên, ông Lịch cũng lưu ý: "Thứ nhất, chúng ta phải giải quyết được nợ xấu ngân hàng – được ông ví như “cục máu đông” làm nghẽn sự lưu thông mạch máu của nền kinh tế; thứ hai là phải phân bổ hài hòa, hợp lý dòng vốn, tránh tình trạng đầu năm đói vốn, cuối năm dồn dập để rồi tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cho năm sau". “Năm nay, tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,5 – 6%; lạm phát kiềm chế ở mức 8% là hợp lý”, ông Lịch dự báo. Theo ông, “trước sau cũng phải giảm thuế, thì đây là thời điểm thích hợp nhất”.

 

Song bộ trưởng Vương Đình Huệ phân tích: Với thuế VAT, nếu giảm còn 5% thì thu ngân sách giảm 115 nghìn tỉ, bằng 15,6% ngân sách, sẽ chẳng có khoản nào bù đắp trong bối cảnh chi cho an sinh xã hội tiếp tục tăng. Tương tự, nếu giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% thì ngân sách giảm 20.000 tỉ. “Giảm lớn thế trong điều kiện thu ngân sách thấp thì khó đảm bảo cho chi ngân sách. Tuy nhiên đồng ý có thể qua kì họp này, sang năm nghiên cứu để đưa xuống mức phù hợp”, bộ trưởng hứa.

 

Lãi suất giảm thêm 2%

 

Trước kiến nghị giảm lãi suất của đa số đại biểu, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, Chính phủ đã đồng ý và kể từ ngày 11.6 này, sẽ giảm lãi suất huy động xuống còn 9%. “Mặt bằng này phù hợp diễn biến của lạm phát, đảm bảo thực dương cho người gửi, là điều kiện để yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, thống đốc nói.

 

Cũng theo ông Bình, về xử lí nợ xấu, ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, để góp phần xử lí khoảng 100.000 tỉ đồng là nợ xấu của hệ thống nhân hàng theo nguyên tắc bảo toàn vốn trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết cho vay.

 

 

Nợ xấu tăng từ 6 lên 10%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường là 180.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tháng 2.2012, Ngân hàng Nhà nước còn bơm ra 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, cuối năm 2011, 30.000 tỉ đồng cũng đã được bơm để cứu trợ các ngân hàng mất khả năng thanh khoản.

Ông đánh giá, “tổng các gói tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra như vậy có khối lượng vô cùng lớn. Từ chỗ cuối quý 4/2011 là các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, nhưng đến nay thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể”.

Bằng chứng là, theo ông, nếu vào cuối năm 2011, hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng trên 116% thì đến nay còn 90%. Ông nhận định: tuy đã được cải thiện nhưng thanh khoản hiện vẫn chưa đảm bảo vững chắc, nên các ngân hàng chưa dám tăng trưởng tín dụng một cách mạnh mẽ.

Lần đầu tiên, nợ xấu được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thừa nhận ở mức cao: “Nợ xấu của hệ thống, theo đánh giá của NHNN, tính chung trong toàn hệ thống thì tăng từ mức 6% toàn hệ thống đến mức 10% toàn hệ thống. Với nợ xấu lớn như vậy làm cho chi phí vốn của các ngân hàng thương mại phải gánh 10% cái nợ xấu này cho nên chi phí vốn thực tế vẫn còn rất cao. Do vậy, chiều hướng chung của lãi suất là có giảm nhưng chưa giảm được như mong muốn của các doanh nghiệp, cũng như của chúng ta”.

Ông Bình đưa ra các giải pháp để để kích thích tăng trưởng tín dụng mà theo đó nó sẽ thực dương trong tháng 6.

Thứ nhất, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất xuống (như đã tường thuật ở trên)

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý khoảng trên dưới 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc là bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp hiệu quả với các chính sách tài khóa. Theo thống đốc, hiện lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng khoảng 50.000 tỉ đồng, nếu giải ngân được khoản này, sẽ giúp cải thiện thanh khoản, đẩy tín dụng

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ vốn cho vay mua nhà đối với người thu nhập trung bình, thu nhập thấp để nhanh chóng giải tỏa lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và về cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

 

Tham nhũng: quốc nạn “hạ đo ván” quốc sách

Theo ĐB Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: "Tham nhũng có mặt khắp nơi, với vỏ bọc khác nhau, thách đố kỷ cương, phép nước, trong đó mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng phát triển và lũng đoạn như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ..".

"Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, với trên 365.000 ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ... của trên 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất, trong khi các cơ sở y tế, giáo dục, các nhu cầu bức xúc về an sinh xã hội đang thiếu đất nghiêm trọng", ông nói. “Thế là "quốc nạn" có nguy cơ hạ đo ván các "quốc sách", ĐB Tiến khái quát.

Cũng theo ĐB Lê Như Tiến, giống như buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường "chính ngạch" mà thường qua các con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý người thân trong gia đình; bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau; bằng cách nhào nặn, biến hóa các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp; và bằng rất nhiều mỹ từ: quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đô, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là mừng cả căn hộ, cả ô-tô khi lên chức.

"Chúng ta phải có bộ máy chống tham nhũng tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những "Bao Công" quả cảm, công minh, chính đại, vô tư, giám cởi bỏ mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng", ĐB Tiến thiết tha.

Nhắc lại lời ĐBQH Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội mới đây “Chúng ta đã cắt thuốc đúng, song có chịu uống thuốc không và uống có đủ liều không?”, theo ĐB Tiến: “Không ai khác yêu cầu và cưỡng chế họ phải "uống thuốc" đó là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được”. "Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao”, ông nhắc lại lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

 

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo