Thị trường

Kinh tế thế giới tăng trưởng không đều

Nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chiều hướng tăng trưởng chậm lại vào nửa cuối năm bất chấp những tín hiệu khởi sắc từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

Theo OECD, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục được ổn định.

Đây là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 

Theo OECD, Mỹ, Anh và Nhật Bản có mức tăng trưởng " khiêm tốn". Trong khi đó,  khu vực đồng euro trải qua thời kỳ suy thoái trong 6 quý liên tiếp từ tháng 4/2012 tới tháng 6/2013. 

Tín nhiệm kinh doanh và sản xuất công nghiệp tăng cùng với các chỉ số khác gần đây của các nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy "tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục được cải thiện".

Mỹ được nhận định đạt mức tăng trưởng 2,5% vào quý III và 2,7% vào quý IV năm nay. Mức tăng trưởng của Nhật Bản được dự báo là 2,6% và 2,4% tương ứng với quý III và quý IV. Tăng trưởng kinh tế của Nhật được cho là sẽ không có nhiều biến động so với các dự báo. 

Tuy vậy, những đánh giá về thị trường việc làm của Nhật Bản lại khá ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức cao so với các nước phát triển khác. Nó có thể cản trở sự phát triển kinh tế, vì tỷ lệ thất nghiệp kéo dài sẽ trở thành thất nghiệp cơ cấu với những rủi ro không thể lường trước "ngay cả khi nền kinh tế trên đà phục hồi".

OECD cho biết Đức, Pháp và Ý, 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, có thể đạt mức tăng trưởng 1,3% vào quý III và 1,4% vào quý IV. Mức tăng trưởng này có phần thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,6% ở quý II. Đức vẫn là quốc gia có đà tăng trưởng lớn nhất ở châu Âu. 

OECD cũng lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi không có nhiều triển vọng tăng trưởng. Tuy đã vượt qua thời kỳ đen tối, song Trung Quốc cùng với các nền kinh tế mới nổi khác phải đối mặt triển vọng tăng trưởng không ổn định và có thể phải đối mặt với khủng hoảng tài chính. 

Hệ quả này một phần là do kế hoạch cắt giảm chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. 

Trong khi đó, một số nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng bởi kế hoạch thắt chặt tiền tệ của FED. Việc này làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, kéo theo các hệ quả như "thị trường bất ổn, chi phí tài chính tăng, luồng vốn và giá trị tiền tệ giảm". 

Báo cáo cũng chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các chính phủ phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn đầu tư nước ngoài để cứu vãn thâm hụt tài khoản vãng lai. 

Một trong những quốc gia phải đối mặt với tình trạng này là Ấn Độ, do đồng ruppee giảm mạnh. 

Tất cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại trong thời gian dài. Do đó, thực hiện cải cách để thúc đẩy tăng trưởng, tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu và giảm trở ngại về cơ cấu nhằm tạo việc làm vẫn là những chính sách quan trọng.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo