Kinh tế vĩ mô...không thể giải quyết một sớm, một chiều
Dư địa chính sách đã trở nên rất eo hẹp để Việt Nam lựa chọn nhằm cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích nền kinh tế đang lâm vào tình thế khó khăn.
Đây là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại lễ công bố và thảo luận về Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013 của Ngân hàng Thế giới diễn ra sáng nay (21-1) tại Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra nói: “Ngân hàng Thế giới chưa thấy có giải pháp nào tuyệt đối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do còn nhiều điểm yếu nội tại trong nền kinh tế".
Theo ông Deepak, kinh tế Việt Nam năm 2010 đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra giai đoan trước đó 2008-2009. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến năm 2012 nền kinh tế lại rơi vào suy thoái và tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1995. “Lẽ ra sau khi phục hồi năm 2010, nền kinh tế phải tăng lên (trong năm 2012). Vậy nguyên nhân do đâu?”, ông đặt câu hỏi.
Ông nhận xét, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm sút trong khi vốn FDI, trừ Nhật Bản cũng giảm sút.
Ông Deepak ước tính, vốn FDI giải ngân của Việt Nam trong năm 2013 vào khoảng 7,3 tỉ đô la Mỹ, tương đương như năm 2012. Con số này, dù là ước tính, nhưng gây lo ngại trong bối cảnh chi tiêu công và đầu tư tư nhân giảm sút. “Lẽ ra vốn FDI trong năm tới ước tính phải tăng lên cùng với quy mô kinh tế, song chúng tôi ước tính bằng năm 2012 để chúng ta cùng suy nghĩ”, ông nói.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu tăng tốc. Theo ông Deepak, trong hai tháng gần đây, cung tiền tăng nhanh, lãi suất giảm xuống, thanh khoản tốt hơn. Ông cảnh báo: “Tuy nhiên, Việt Nam có nguy cơ nới lỏng các chính sách tài khóa tiền tệ sớm khiến lạm phát quay trở lại”.
Ông nhận xét, mức lạm phát lạm phát cơ bản của Việt Nam vẫn cao, khoảng 11%, vẫn đang là thách thức rất lớn vì làm giảm sút năng lực cạnh tranh quốc qia.
Ông cho rằng, khi thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC), Việt Nam cần tính kinh phí, định giá tài sản và có quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Ông cũng cho rằng, chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra một số mốc thời gian, nhưng vẫn cần những hành động cụ thể.
“Để giải quyết tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành. Điều này không thể giải quyết trong một sớm một chiều”, ông nói.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương bổ sung: “Chúng ta phải phục hồi kinh tế trong ngắn hạn trong khi vẫn phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng nếu kích thích quá đà thì lạm phát quay trở lại, mà quá yếu, chẳng hạn như Nghị quyết 13 thì doanh nghiệp không tin và chán nản”.
Theo ông Thành, trong nửa đầu năm 2013, Chính phủ sẽ đẩy mạnh chính sách tài khoá trong bối cảnh chính sách tiền tệ không thể bơm vốn ra nền kinh tế như cần thiết do nợ xấu và nỗi bận tâm xử lý ngân hàng yếu kém.
Ông cho biết, bên cạnh 45.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm mà Quốc hội đã ấn định, dự kiến Chính phủ có khoảng 30.000 tỉ đồng từ việc cho phép các địa phương phát hành trái phiếu để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng.
Trong khi đó, theo ông Thành, chính sách tiền tệ chỉ có thể bớt chặt chẽ hơn vào cuối năm. Ông nhận xét, xử lý nợ xấu còn rất chậm trễ do thiếu kiên quyết, triệt để và những lo ngại bị quy là “nhóm lợi ích”.
Chuyên gia này nói: “Cái khó là phối hợp thời gian cho các chính sách như thế nào bởi lòng tin thị trường ở Việt Nam chưa tốt. Nếu phối hợp không đúng thì sẽ phá hỏng lòng tin đó, chưa kể cú sốc từ bên ngoài”.
Ông Thành cho rằng, không nên giữ quan điểm không để ngân hàng nào phá sản như hiện nay trong quá trình xử lý nợ xấu. Thay vào đó, ông nói, chúng ta có thể chấp nhận sự ra đi của một ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống. Điều này rất khác quan điểm không để ngân hàng nào phá sản với hàm ý giữ an toàn cho hệ thống.
Ông đặt câu hỏi: “Liệu các nhà hoạch đinh chính sách có can đảm đối chất với thị trường một cách công khai, minh bạch hay không?”
Ông cho biết, trong tháng này, khung pháp lý cho AMC sẽ được hoàn tất và cơ quan này sẽ trực thuộc chính phủ, thay vì Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính.
Liên quan đến kinh tế toàn cầu, trong báo cáo công bố hôm nay, Ngân hàng Thế giới nhận xét, phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và bất trắc, làm lu mờ triển vọng của nền kinh tế có thể cải thiện nhanh chóng và quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhật Minh (Theo TBKTSG Online)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo