Tin tức - Sự kiện

Kinh tế Việt Nam 2013: Cần chính sách đột phá

Tại cuộc hội thảo Kinh tế năm 2013 và những thách thức” do Viện Kinh tế-Tài chính tổ chức ngày 24-4, nhiều ý kiến chuyên gia đặt ra là chính sách nào sẽ đột phá giải quyết được những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện tại ...
Nguy cơ giảm phát
 
Theo Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) quý I /2013 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 3,5% (năm 2012 là 3,2%). TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Viện Kinh tế tài chính) cho rằng năm 2013 sẽ là một năm khó khăn  đối với tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. "Khó khăn về tồn kho sản phẩm, nợ đọng cao, khó khăn của thị trường bất động sản… tăng trưởng kinh tế chỉ đạt mức tương đương hoặc thấp hơn năm 2012”- TS Nguyễn Ngọc Tuyến dự báo.  
 
PGS.TS. Ngô Trí Long đánh giá, kinh tế Việt Nam ngoài những vấn đề như lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại, nợ xấu cao, tồn kho lớn, bong bóng bất động sản vỡ, niềm tin kinh tế bị giảm sút thì vấn đề năng suất lao động rất thấp và công nghệ lạc hậu dẫn đến các yếu tố của tăng trưởng có nguy cơ suy giảm dần trong dài hạn. 
 
Thực tế cho thấy, mặc dù quý I/2013 tăng trưởng GDP đạt 4,89%, nhưng vẫn thấp hơn quý II/2012 (5,05%) và quý IV/2012 (5,44%). Tăng trưởng xuất khẩu đạt 19,7% cao hơn một ít so với quý IV/2012 nhưng nhóm mặt hàng nông thuỷ sản lại đi xuống khá mạnh. Theo thống kê, chỉ số giá bán hàng nông sản quý I/2013 đã giảm 8% so với cùng kỳ 2012; giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh nhất 12%, chi phí đầu vào sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh đã dẫn đến thua thiệt cho người nông dân. Đầu tư công vẫn không giảm, tăng 5.800 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,1%, thấp hơn mức đề ra.
 
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: "Nếu được mục sở thị những bữa ăn của công nhân ở khu công nghiệp, người tiêu dùng đi chợ, siêu thị, mới thấy hết cuộc sống khó khăn của họ. Cơ bản là họ thắt chặt chi tiêu, tằn tiện tiết kiệm trang trải cho cuộc sống của mình” – ông Phú, cho hay.
 
Củng cố trụ cột nông nghiệp 
 
Trước những thách thức kinh tế năm 2013, Chính phủ đã có Nghị quyết 01 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 02 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chính sách nào đột phá sẽ giải quyết được những yếu kém nội tại của nền kinh tế.
 
Ông Vũ Vinh Phú kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn cho DN, các DN bán lẻ rất cần sự bình đẳng ở tiếp cận vốn vay, đất đai để mở rộng siêu thị. Một điểm cần kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ cho hàng tồn kho là giảm thuế VAT ở khâu bán lẻ xuống 5%. Bên cạnh đó cần giải quyết triệt để hàng lậu đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Theo ông Phú, khảo sát tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) có tới 90% là hàng Trung Quốc. "Chúng ta đang tiêu thụ hàng cho Trung Quốc trong khi đó hàng Việt Nam số lượng tồn kho lớn” – ông Phú bức xúc. 
 
TSKH Nguyễn Thị Hiền cho rằng, với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là ưu tiên hàng đầu. Theo bà Hiền, sự chậm trễ, thậm chí dè dặt trong việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại, không dám mạnh tay với ngân hàng yếu kém… và với việc lãi suất cho vay ở mức cao khiến các DN không thể tiếp cận được với tín dụng trên thị trường tiền tệ chính thức. "Điều này hoàn toàn ngược với kỳ vọng của giới chuyên gia kinh tế vào việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vì nó sẽ giúp khơi thông hệ tuần hoàn của nền kinh tế”- bà Hiền nói.
 
Cũng theo TSKH Nguyễn Thị Hiền, một trong những lĩnh vực cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam là nông nghiệp chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế vừa qua, Chính phủ chưa đề cập đến phát triển nông nghiệp. Theo bà Hiền nếu được đầu tư đúng mức thì nông nghiệp sẽ là lĩnh vực bứt phá cho nền kinh tế.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo