Tin tức - Sự kiện

Kinh tế Việt Nam 2013: Lạm phát vẫn còn tiềm ẩn

Rủi ro lạm phát và nguồn tài chính khan hiếm không thể “chảy” đúng dòng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Đây là quan điểm được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra trong bản tin kinh tế vĩ mô vừa công bố.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan ngại trước một số rủi ro mà nền kinh tế trong nước có thể gặp phải trong năm 2013. Đó là lạm phát vẫn còn tiềm ẩn do có liên quan đến một số chính sách, như tăng lương tối thiểu, tăng giá điện từ cuối năm 2012, giá dịch vụ giáo dục và y tế ở một số địa phương có thể sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt, có một rủi ro nữa cần lưu ý là nguồn tài chính vốn đang khan hiếm trong nền kinh tế có thể bị phân bổ lệch, chảy vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau hoặc thân quen.

Theo phân tích từ bản tin kinh tế vĩ mô, việc phá băng bất động sản có thể làm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tiền dùng để cứu bất động sản lấy từ nguồn nào và làm thế nào để kiểm soát dòng tiền chảy đúng hướng chứ không rơi vào các doanh nghiệp sân sau, thân quen? Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải công khai chính sách giải cứu thị trường bất động sản để lấy lại niềm tin của người dân, bởi thực tế việc hâm nóng hay phá băng cho thị trường bất động sản đòi hỏi phải có sự minh bạch trong việc rót tiền cứu trợ vào các doanh nghiệp.

Năm 2013, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng chậm. Kết quả dự báo kinh tế của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đưa ra triển vọng tăng trưởng 5,31%, lạm phát dao động ở mức 7,32- 8,84%. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2013 khoảng 5,5%.

Từ những yếu tố đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Quá trình điều chỉnh của kinh tế Việt Nam sang một quỹ đạo mới cân bằng và bền vững hơn sẽ còn cần nhiều thời gian và cần có một tầm nhìn trung hạn đối với việc điều chỉnh này, thay vì quá chú ý đến những dao động ngắn hạn của nền kinh tế trong nước và toàn cầu.

Nhấn mạnh vào các chính sách tiền tệ, tài khóa và giải quyết nợ xấu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra những khuyến nghị chính sách khá cụ thể. Theo đó, với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục mua vào ngoại tệ bởi đây là biện pháp khả thi trong bối cảnh lạm phát thấp và tỷ giá ổn định. Đây cũng là biện pháp tăng cung tiền cho nền kinh tế lành mạnh nhất, đạt được nhiều mục tiêu về tăng thanh khoản, giảm chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng và hỗ trợ xuất khẩu. Chính sách tiền tệ cũng nên thực hiện một cách có hiệu quả đối với việc ưu tiên cung ứng tín dụng cho khu vực ưu tiên như: Nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu...




Quyết Thắng (Theo Công Thương)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo