Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, song còn nhiều lo ngại
Mở đầu buổi họp báo công bố báo cáo về tình hình kinh tế VN diễn ra hôm nay 3-12, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại VN, nhấn mạnh nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế VN đang phục hồi.
Cụ thể, theo ông Sandeep Mahajan, tăng trưởng kinh tế VN dự báo sẽ cải thiện từ mức 5,4% năm 2013 lên 5,6% năm 2014. Chỉ số lạm phát ổn định vào năm 2014 ở mức 5%.
“Tâm lý kinh doanh khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cải thiện trong một năm trở lại đây. Nhận định này được đưa ra qua chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng thương mại châu Âu tại VN đánh giá tâm lý các doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại VN. Chỉ số này trong quý 3-2014 đã đạt mốc kỷ lục trong 3 năm qua. Điều này thể hiện sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sandeep Mahajan, viễn cảnh khả quan chủ yếu nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng giúp cải thiện vị trí xếp hạng về rủi ro quốc gia, giúp Chính phủ phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu trên thị trường quốc tế với điều kiện khá hợp lý.
Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan cũng lo ngại nợ công tăng nhanh và xu hướng tăng cao vẫn đang diễn ra trong những năm tới, dự kiến đạt đỉnh 60% vào năm 2017.
Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế VN, WB đánh giá VN có độ rủi ro về nợ công thấp nhưng tổng mức nợ công và nghĩa vụ trả nợ gia tăng đang gây nhiều quan ngại. Nhất là các khoản nợ vay trong nước tăng khá nhanh trong mấy năm vừa qua từ 18,4% GDP năm 2011 lên 25,2% năm 2013.
Bên cạnh đó, ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp WB tại VN, cho rằng tín dụng tăng trưởng thấp và dưới mức kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do cân đối tài chính không tốt của các ngân hàng cộng với mối lo ngại về sức khỏe tài chính của người đi vay…
Một điều đáng lưu tâm trong năm 2014, theo ông Sandeep Mahajan, số lượng doanh nghiệp đóng cửa và ngừng hoạt động lại tỉ lệ nghịch với số doanh nghiệp mới thành lập.
Trong 10 tháng đầu năm nay có thêm 54.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động và phải đóng cửa, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Phải đẩy nhanh tốc độ cải cáchThẳng thắn chỉ ra hạn chế cũng như nêu những khuyến nghị đối với VN, bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia WB tại VN, nhấn mạnh: “Tiềm năng để kinh tế VN đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể thành hiện thực khi đẩy nhanh việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng".
Như trong kế hoạch năm nay, VN sẽ cổ phần hóa 200 doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên ước tính năm 2014 mới chỉ có 70 đơn vị cổ phần hóa, rõ ràng chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm.
"Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chậm chạp đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Song, cũng phải nói thêm rằng cổ phần hóa không nên chỉ đạt mục tiêu về số lượng mà quan trọng là cổ phần hóa như thế nào", bà Victoria Kwakwa lo ngại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 9/1/2024: Chạm đỉnh trong gần bốn tuần
Xuất khẩu Việt Nam 2025: 2 kịch bản ứng phó trước chính sách mới từ Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 9/1/2025: USD tăng mạnh do lợi suất trái phiếu Mỹ đi lên
Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 2 tỷ USD
Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Giá heo hơi ngày 9/1/2025: Nhích tăng tại miền Bắc