Kinh tế Việt Nam xuất siêu tháng thứ hai liên tiếp
Theo Bộ Công Thương, hai tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 1,67 tỷ USD và đóng góp chủ yếu là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực và các doanh nghiệp nội sẽ có cơ hội bật lên khi kinh tế hồi phục
Tại buổi họp báo công tác tháng Ba do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/2, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2013 ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 34,6% so với tháng Một.
Tính chung hai tháng đầu năm xuất khẩu đạt 18,97 tỷ USD, tăng 23.9% so với cùng kỳ. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục là trụ cột trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói chung khi đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ.
Còn về nhập khẩu, tháng Hai ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 38,3% so với tháng trước, tính chung hai tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Từ kết quả trên thì qua hai tháng đầu năm, Việt Nam ước xuất siêu 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, sau khi xuất siêu khoảng 200 triệu USD vào tháng Một thì đây là tháng thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu ông Hải cho rằng, mặc dù đóng góp chính của xuất siêu thời gian qua là nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, (khi hai tháng xuất siêu tới 2,97 tỷ USD và ngược lại khối doanh ngiệp nội nhập siêu 1,29 tỷ USD) nhưng đây là dấu hiệu tốt.
Cụ thể việc xuất do tăng trưởng mạnh của xuất khẩu, đáng chú ý là nhóm công nghiệp chế biến dẫn đầu là mặt hàng điện thoại di động của Samsung có mức đóng góp rất lớn (hơn 2,67 tỷ USD trong hai tháng) và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, mặt hàng túi sách trong năm 2012 cũng đã tham gia câu lạc bộ 1 tỷ USD là những nhân tố đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
Ngược lại, về nhập khẩu thì nhóm cần kiểm soát nhập khẩu như đá quí, linh kiện xe máy... đã được kiểm soát, trong 2 tháng đầu năm nhóm này đã giảm 8,8% so với cùng ký. Ngoài ra nhóm cần thiết nhập khẩu là nguyên liệu có tăng trưởng nhưng chậm hơn năm ngoái.
Như vậy, theo đánh giá của ông Hải thì mặc dù xuất siêu hai tháng đầu năm chủ yếu rơi vào doanh nghiệp vốn FDI cũng như năm 2013 khả năng Việt Nam xuất siêu sẽ tiếp tục có sự đóng góp từ khối doanh nghiệp này. Nhưng sau khi kinh tế hồi phục, khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước sẽ giảm nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại./.
N. M (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo