"Bắt DN phải chứng minh về thiệt hại bởi Covid rồi mới được gỡ thì khó"
DNVN - Có lẽ gói giải cứu doanh nghiệp không nên giới hạn vào loại hình, khu vực hay điều kiện nào. Khi khó khăn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh thì vấn đề của DN này sẽ dẫn đến vấn đề của DN khác. DN nào có nhu cầu thì có thể tiếp cận chứ giới hạn hay bắt DN phải chứng minh về thiệt hại rồi mới được gỡ thì khó...".
Ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19 / Ngân hàng Nhà nước cho cán bộ công chức làm việc tại nhà 15 ngày thực hiện cách ly xã hội
Đây là một trong nhiều góc nhìn được đưa ra tại buổi Giao lưu trực tuyến "Sống sót qua đại dịch Covid-19" do CafeF tổ chức sáng 13/4/2020 khi các khách mời là đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia làm chính sách nêu quan điểm về cách hỗ trợ doanh nghiệp sống sót trong thời đại dịch Covid-19.
Xung đột lợi ích giữa DN và ngân hàng là rõ ràng
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công đánh giá cao các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua nhằm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Tuy nhiên, ông Đặng Hồng Anh đánh giá, thực tiễn cho thấy cần giải pháp thực tế hơn để giải cứu doanh nghiệp, kể cả có thể NHNN cần có kênh SOS cho doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng là trở ngại cho hoạt động giải ngân, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của khách mời này, trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, hay như chính Tập đoàn Thành Công của ông, bản thân DN cũng qua quá trình tương tác cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông lấy ví dụ, về giảm lãi DN cũng có gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ, nhưng cũng kéo dài khoảng hơn 1 tháng, nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phía ngân hàng sẽ nói là cũng nhiều doanh nghiệp đăng ký và ngân hàng đang xem xét tiêu chí.
4 vị khách mời tham dự Giao lưu trực tuyến "Sống sót qua đại dịch Covid-19".
Nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn chi nhánh đó sẽ "làm lơ", nếu không thì không đạt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hàng tháng, hàng quý. Do đó, ông Hồng Anh bày tỏ mong muốn các NHTM phải có chỉ thị quyết liệt để công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp được nhanh chóng. Ông cũng đề nghị NHNN có tổng đài SOS cho doanh nghiệp.
Với góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, ngân hàng cũng là 1 DN, vì thế việc xung đột lợi ích hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng đặc thù của ngành ngân hàng là có cơ quan chủ quản là NHNN. Vì thế độ rủi ro ít hơn các DN, đặc biệt là DNNVV. So với các doanh nghiệp thì tính bền vững của ngân hàng cao hơn.
"Xung đột lợi ích ở chỗ là khó vay, nhất là vay ưu đãi. Do đó, giải pháp là 2 bên cùng hỗ trợ nhau. DN hoàn thiện hồ sơ đi vay tốt nhất có thể, còn ngân hàng thì xuống điều kiện 1 chút. Chúng ta cần phải chia sẻ với nhau", ông Thân nói.
Cho rằng ở đây có những xung đột lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech Group cho rằng, các ngân hàng chịu chỉ đạo của Chính phủ để tham gia cứu nền kinh tế nhưng bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng chịu thiệt hại nếu phát sinh nợ xấu. Các doanh nghiệp siêu nhỏ đến nhỏ của Việt Nam đông nhất và yếu thế nhất nên khó tiếp cận gói giải cứu và vốn vay ưu đãi.
Thứ nhất, thủ tục vay ngân hàng có nhiều thứ nhiêu khê. Bản thân các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần như chưa bao giờ vay, họ không biết được thủ tục và hướng dẫn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nằm trong diện hỗ trợ, chứng minh được mình chịu thiệt hại của dịch bệnh. Họ cũng cần tài sản thế chấp nhưng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì vô cùng ít tài sản. Ngoài ra, còn đòi hỏi sổ sách kế toán minh bạch, điều khó với hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, đây chính là cú huých để các doanh nghiệp siêu nhỏ làm tốt hơn trong lĩnh vực sổ sách báo cáo để có thể tiếp cận các khoản vay khi có nhu cầu.
Lời khuyên cho DNNVV
Đề cập tới vấn đề tiếp cận các gói tín dụng hiện nay, ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cho vay ưu đãi bây giờ khác hẳn thời khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 - thời điểm ngân sách sẽ bù đắp vào chênh lệch lãi suất, gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng. Một số vấn đề đến nay vẫn chưa giải quyết hết được. Còn lần này, trừ ngân hàng chính sách xã hội, thì đây là ưu đãi của các NHTM, sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy khi ngân hàng xem xét khoản cho vay, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của họ trong thực hiện các khoản vay này.
Ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng theo ông Hùng, có lẽ gói giải cứu không nên giới hạn nó vào loại hình, khu vực hay điều kiện nào. Khi khó khăn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh thì vấn đề của doanh nghiệp này sẽ dẫn đến vấn đề của doanh nghiệp khác.
"Tôi cho rằng doanh nghiệp nào có nhu cầu thì có thể tiếp cận chứ giới hạn hay bắt doanh nghiệp phải chứng minh, thuyết phục về thiệt hại rồi mới được gỡ thì khó. Khi chứng minh được thì có khi doanh nghiệp không tồn tại nữa, hay cơ hội sản xuất kinh doanh cũng qua đi. Chính phủ nên mở rộng ra cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sở hữu nhà nước, tư nhân, nhỏ và siêu nhỏ, ở tất cả các ngành, không giới hạn…", ông Đào Văn Hùng nêu quan điểm.
Đồng cảm với chia sẻ của Shark Bình về khó khăn của DN nhỏ, siêu nhỏ, ông Đào Văn Hùng cho rằng, đúng là trong giai đoạn khó khăn này, các tổ chức tín dụng nên có giải pháp tiếp cận tín dụng cởi mở, đặc thù hơn. Ngoài ra, ông cũng đồng ý với ông Bình trong việc dùng big data để quyết định cho vay hay không.
Đưa ra lời khuyên cho DNNVV về việc vay tiền ngân hàng trong thời điểm nhạy cảm này, ông Nguyễn Văn Thân lưu ý, các DN đừng thấy cho vay dễ dàng mà đi vay, cứ chạy theo lãi suất và nợ phải trả sẽ không còn sức sáng tạo. Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh cho rằng, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng, điều kiện, tích lũy tư bản chưa có nhiều. Trong mùa dịch Covid-19 hiện nay, nếu không có kế hoạch hậu dịch phát triển công ty thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ. Không khéo lại ảnh hưởng đến ngân hàng.
"Như tôi đã nói, khoảng 2 tháng nữa thì ngân hàng cũng sẽ rơi vào khó khăn. Vay tiêu dùng, vay bán lẻ ảnh hưởng nhiều thứ. Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn", ông Hồng Anh khuyến cáo.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo