'Bức tranh sáng' của xuất khẩu qua một năm gian nan
Dịch Covid-19 tác động xu hướng và kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam / Xuất khẩu hạt điều tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch XK (trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
Duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu dương
Điểm đáng ghi nhận là cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Công nghệ chế biến chế tao đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng XK trong năm 2020.
Như nhận định của Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng…, thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng XK dương và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong điều hành, khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy XK.
Thực tế cho thấy Covid-19 đã làm gián đoạn hành trình XK của Việt Nam trên con đường hướng tới hiệu suất cao, nhưng một số điều chỉnh cơ cấu thích hợp đã giúp cho hoạt động XK trở lại đúng lộ trình.
Trong hoạt động XK của năm 2020, Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị tại Đại học RMIT, cho rằng Việt Nam hiện đang ở vị trí thuận lợi để tái khẳng định vai trò là đối tác tạo ra giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tuy vậy, với cấp độ thương mại đã rất cao, Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn - gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì đơn thuần tăng khối lượng giao dịch mà thôi”, Ts. Burkhard nhấn mạnh.
Ngoài ra, điểm ấn tượng là cộng đồng DN đã cải thiện về quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), được xem là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình XK hàng hóa trong năm 2020.
Điển hình như XK vào EU nhằm tận dụng FTA Việt Nam - EU (EVFTA), sau 5 tháng thực thi hiệp định này (từ tháng 8/2020) thì dù diễn biến dịch bệnh tại EU rất phức tạp, nhưng XK của Việt Nam sang thị trường EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao.
Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hóa XK của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) mẫu EUR.1 đạt tỷ lệ khá cao, chiếm khoảng trên 14% tổng kim ngạch XK sang thị trường này. Và tính đến hết tháng 11/2020, các cơ quan tổ chức đã cấp trên 54.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 2,1 tỷ USD đi 28 nước ở châu.
Theo giới chuyên gia, hàng hóa Việt Nam trong năm 2020 đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Kỳ vọng những bước tiến mới trong năm 2021
Về thị trường XK hàng hóa năm 2020 thì Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD (tăng 24,5% so với năm trước), tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD (tăng 17,1%).
Với XK đạt tăng trưởng ấn tượng ở thị trường Mỹ, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thành công này một phần đến từ việc giữa Việt Nam và Mỹ tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hoá và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau.
Còn theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2021 Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất thế giới với nhu cầu hết sức đa dạng. Thu nhập của người dân Mỹ đang tăng dần trở lại và mức độ chi tiêu của cũng vậy. Đó chính là điểm tích cực để hàng hoá Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu thị trường Mỹ đang trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.
Trong bức tranh sáng của XK thì không thể không nhắc đến vai trò của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Đây tiếp tục là nhóm hàng đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng XK trong năm 2020.
Tính riêng 11 tháng của năm 2020, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này giúp cho sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất và là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.
Như đánh giá của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.
Từ những điểm sáng về XK qua một năm đầy gian nan như năm 2020 thì hoạt động XK được kỳ sẽ có thêm nhiều bước tiến mới có tính vững chắc hơn trong năm 2021.
Theo đó, các doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng, thúc đẩy và đa dạng hoá thị trường XK. Các nhà XK của Việt Nam cũng cần có tư duy và quản lý thông minh nhằm có thể đưa ra thị trường thế giới những những sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao hơn nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo