Nông sản xuất khẩu ám ảnh giá cước vận tải biển
Năng suất cà phê Đắk Lắk vượt trội từ chương trình tái canh / Triển lãm Vietbuild Home 2020: Cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị phần
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) hạt điều và hồ tiêu cho biết, chỉ tính riêng 2 tháng gần đây nhất, công ty đã lỗ 6 tỷ đồng do tăng giá cước vận tải biển hàng XK.
Áp lực giá cước liên tục tăng
Chẳng hạn, có những chuyến hàng nông sản trước đây xuất đi Ai Cập có mức phí chỉ 2.000 USD/container nhưng đến tháng 12/2020 đã tăng lên 5.000 USD/container.
Ngành hàng nông lâm thuỷ sản XK đang đối mặt áp lực tăng giá cước từ các hãng tàu. |
Không chỉ chịu áp lực về giá cước vận tải biển, các công ty XK nông sản còn đang đối mặt với nỗi lo thiếu các container rỗng để phục vụ cho vận chuyển hàng.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giá cước vận tải biển đang quá cao và vừa thiếu tàu vừa thiếu container rỗng. Điều này khiến cho công ty phải từ chối không ít đơn hàng XK sang thị trường EU.
Giới phân tích logistics quốc tế mới đây đưa ra nhận định, giá cước vận tải biển thỏa thuận trên thế giới trong năm 2021 sẽ cao hơn nhiều so với mùa hợp đồng 2019-2020.
Dựa trên các cuộc thảo luận ban đầu mà các chủ hàng lớn đang có với các hãng vận tải biển, có thể hiểu rằng các nhà nhập khẩu sẵn sàng trả giá cước cao hơn để có chỗ trên tàu thay vì ưu tiên tiết kiệm chi phí vận tải.
Các hãng tàu được cho là đang có ưu thế hơn. Họ đã tìm ra một công cụ khác để bán được giá cước cao hơn dưới dạng các dịch vụ cao cấp. Hiện tại, hầu hết hãng tàu đều cung cấp dịch vụ này, tính phí tới 2.000 USD cho mỗi container.
Về giá cước của năm 2020, trong thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, tuy các hãng tàu biển có sự sụt giảm ở sản lượng hàng hóa, nhưng giá cước vận chuyển thì vẫn tăng.
Trên thế giới, so với tháng 12/2019, do nhu cầu tăng và khả năng quản lý chỗ thành công, giá cước vận tải biển trong tháng 12/2020 từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến bờ Tây nước Mỹ được cho là đã tăng gấp 3 lần từ mức trung bình 1.500 USD/container 40 feet lên mức 4.500 USD.
Điều này được cho là vì các hãng tàu, các công ty vận tải biển của nước ngoài đã quản lý sức chứa tốt hơn bằng cách cắt giảm các chuyến đi trống, giảm chi phí, tận dụng chi phí nhiên liệu thấp hơn và tập trung vào lợi nhuận hơn là thị phần.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi việc kéo giảm chi phí logistics đối với nông sản Việt XK vẫn chưa thật sự hiệu quả thì lại tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng cước vận tải biển.
Qua khảo sát thực tế tại các DN XK nông sản thuộc các nhóm hàng rau quả, hàng cà phê cho thấy, chi phí logistics hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành hàng hóa XK.
Hiệu ứng làm tăng các khoản phí
Đơn cử như mặt hàng cà phê, với vùng trồng chủ yếu tại Buôn Ma Thuột, một số địa phương ởĐắk Lắk,Đắk Nông, hay Gia Lai thì thời gian vận chuyển ra cảng, chẳng hạn từ Buôn Ma Thuột đến Cát Lái từ 9-10 giờ với đoạn đường khoảng 380km có chi phí vận tải đường bộ khoảng 10-15 USD/tấn. Như vậy, với 1 container 20 feet có thể vận chuyển được 20 tấn thì chi phí vận tải nội địa đã là 200-300 USD/container.
Nếu cộng với chi phí vận tải biển trong bối cảnh đang tăng mạnh giá cước như hiện nay, có thể thấy việc kéo giảm chi phí logistics cho mặt hàng cà phê XK vẫn khó khả thi.
Hoặc như hàng nông sản XK từ Đồng bằng sông Cửu Long, hiện không XK trực tiếp từ vùng trồng mà phần lớn vận chuyển lên Tp.HCM để xuất đi từ Cảng Cát Lái hay vận chuyển ra Cái Mép để vận chuyển trực tiếp bằng tàu biển đi châu Âu hay châu Mỹ. Do đó, khi giá cước vận tải biển tăng “phi mã” sẽ làm cho mặt hàng nông sản Việt XK bị đội chi phí lên rất nhiều lần.
Nhiều tháng qua, các DN thuỷ sản cũng đã kêu khó khi các hãng tàu biển tăng phí vận tải 135 - 220 USD mỗi container, khiến chi phí xuất hàng tăng hơn 30%.
Theo một chuyên gia thị trường cá tra của Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep), việc tăng giá cước thuê tàu có thể gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng, như: phí xếp dỡ (THC), phí mất cân bằng container (CIC), phụ phí mùa cao điểm…
Ngoài ra, khi dịch Covid-19 trên toàn cầu còn diễn biến phức tạp, các DN XK thủy sản sẽ còn đối mặt khó khăn trong hoạt động vận chuyển container hàng hóa vì nhiều chuyến tàu bị trì hoãn, thậm chí hủy chuyến, nhiều hãng tàu thay đổi hành trình và cảng đến khiến thời gian vận chuyển dài, phát sinh thêm nhiều chi phí…
Khảo sát cách đây hơn một năm từ các DN XK thuỷ sản cho thấy, chi phí cho dịch vụ vận tải biển tăng cao từng năm. Các khoản phụ phí mà các hãng tàu biển áp dụng thu đối với vận tải hàng hóa XK thuỷ sản của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch XK của ngành thủy sản. Giá các loại phí, phụ phí tăng trung bình 20%/năm.
Có thể nói, viễn cảnh giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao vào năm 2021 sẽ là một trong những thách thức cho nông lâm thuỷ sản Việt, đòi hỏi cần có sự chuẩn tốt hơn để ứng phó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo