Thị trường

'Giải cứu' hàng chục nghìn tấn nông sản tồn kho

Doanh nghiệp chế biến nông sản đang phải đau đầu trước câu hỏi sẽ phải cứu mình như thế nào với hàng chục nghìn tấn nông, lâm, thủy sản đang tồn kho, trong khi thị trường vẫn u ám vì dịch bệnh.

Tác động kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu, PVN không hoàn thành kế hoạch quý I / FPT Capital và Tập đoàn HAGL chấm dứt kiện tụng

Sau khi khảo sát 50 doanh nghiệp trực thuộc từ ngày 23-24/3/2020, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chế biến nông sản đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Dự báo thị trường chưa khả quan

Cụ thể, thiệt hại lớn nhất thuộc nhóm gỗ nguyên liệu và thương phẩm với giá trị ước lượng khoảng 260 tỷ đồng, nguyên nhân do hoãn hợp đồng, tồn kho.

Nhóm hàng cà phê, tiêu điều tồn kho tới 43.000 tấn (Ảnh: Internet)

Nhóm hàng cà phê, tiêu điều tồn kho tới 43.000 tấn (Ảnh: Internet)

Nhóm thứ hai là cà phê, tiêu, điều tồn kho 43.000 tấn, ước tính thiệt hại 50 tỷ đồng. Sản phẩm hải sản (tôm) tồn kho 1.000 tấn, thiệt hại 35 tỷ đồng. Các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm rau củ quả tươi tồn kho trên 100 tấn, thiệt hại 50 tỷ đồng. Ngoài ra, các nguyên liệu thực phẩm, phân bón tồn kho trên 3.000 tấn + 10.000 lít, thiệt hại 15 tỷ đồng.

Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết có tới 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế do tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình 30-50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ tiêu thụ được 30% nông sản thu hoạch hàng ngày nhưng chưa được trang bị tủ bảo ôn và tủ đông để cấp đông sản phẩm, số lượng hàng thối hỏng chiếm đến 50-60% sản lượng. Bản thân các doanh nghiệp đang buộc phải chủ động bán lỗ, bán giảm giá thay vì phải hủy bỏ hàng hóa với đặc thù là sản phẩm tươi sống, hạn chế thời gian bảo quản.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực trong thời gian tới không mấy khả quan do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, với mặt hàng rau quả, việc xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn.Do các hãng hàng không dừng khai thác đường bay quốc tế nên vận chuyển đường biển rất phù hợp trong lúc này cho những sản phẩm rau quả có hạn sử dụng dài tương thích (chế biến, đông lạnh,...).

 

Tương tự, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan trên toàn cầu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo giá cà phê tiếp tục lao dốc trong thời gian tới. Giá tiêu trên thị trường thế giới có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Theo dự báo của tập đoàn Nedspice, mặc dù sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước tính sẽ giảm khoảng 12% trong năm nay nhưng lượng tồn kho được dự kiến vẫn cao hơn tổng nhu cầu trên thị trường...

Mẫu mã, bao bì vẫn là điểm yếu

Trước tình cảnh khó khăn trên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam khuyến nghị tới các doanh nghiệp thành viên rằng rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người trong chúng ta đều hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc trong tháng 4 nhưng cũng cần phải tính đến kịch bản dự trù trong tình huống xấu nhất là dịch bệnh kéo dài hết tháng 8, thậm chí là cuối năm nay. Từ đó chuẩn bị sẵn lộ trình "sinh tồn và phát triển" cho chính doanh nghiệp.

Ông Bình nhấn mạnh: "Chúng ta bước vào cuộc chiến chống Covid-19 với nhiều khó khăn và thách thức nhưng trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vẫn phải tiến lên, vẫn phải phát triển, vẫn phải tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Thời gian này là "cá nhanh ăn cá chậm" thể hiện vai trò của người "thuyền trưởng", người chỉ huy doanh nghiệp.

Vai trò của người "thuyền trưởng" doanh nghiệp thể hiện qua các kế hoạch ứng biến với Covid-19. Hiện tại, các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu, do đó các doanh nghiệp gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021, vì vậy mới đây Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM đang lên phương án tổ chức triển lãm các sản phẩm gỗ bằng hình thức online.

 

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ vừa qua, doanh nghiệp này đang hỗ trợHội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCMtổ chức triễn lãm online, giới thiệu mẫu mã, chất lượng các sản phẩm chế biến từ gỗ với khách hàng trong nước cũng như nước ngoài. Thông qua công nghệ "đi hội chợ trực tuyến", khách hàng nước ngoài có thể tận mắt trải nghiệm được sản phẩm của mình.

"Đây là cách mà người làm xuất khẩu rất nên sử dụng trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cũng cho rằng cần đẩy mạnh đưa nông sản Việt Nam chinh phục người Việt. Tuy nhiên, điểm yếu mà các sản phẩm nông sản Việt cần phải khắc phục là mẫu mã, bao bì còn đơn điệu.

Lâu nay, những sản phẩm nông sản trong nước đang bị yếu về hình ảnh bao bì đóng gói, theo đó trong giai đoạn này cần nỗ lực cải tiến mẫu mã, bao bì, đi kèm nâng cao chất lượng hướng tới tầng lớp khách hàng cao cấp trong nước, từ đó thay thế hàng nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang nhấn mạnh: "Người dùng có thể không mua ô tô trong 10 năm, may quần áo trong 3 năm nhưng không ai có thể không ăn, không uống trong 3 ngày. Vấn đề làm sao để đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận được thị trường trong và ngoài nước".

 

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, dịch Covid-19 sẽ khiến người Việt hướng tới tiêu dùng các sản phẩm nông sản nội địa. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến nông sản. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết nắm bắt.

Ông cho rằng cần phân rõ doanh nghiệp làm gì, hiệp hội làm gì và Chính phủ cần hỗ trợ gì để xác lập vai trò mới của nông sản Việt Nam.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm