Thị trường

Hậu Giang: Làm giàu nhờ đưa heo rừng về ấp

Nghỉ công việc tại một cơ quan nhà nước, Nguyễn Thị Thúy Oanh, ấp Đông Bình, xã Đông Phú (Châu Thành, Hậu Giang) lập nghiệp trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi heo rừng, bước đầu cho kết quả tốt.

Khôi phục lại từng phần hoạt động thương mại tại biên giới Việt-Trung / Nguyên nhân khiến hơn 8.000 ha cam Hà Giang rụng quả

Oanh bên đàn heo rừng. ẢNH: HÒA HỘI
Oanh bên đàn heo rừng. Ảnh: Hòa Hội

Lập nghiệp từ heo rừng

Năm 2011, Nguyễn Thị Thúy Oanh, ấp Đông Bình, xã Đông Phú (Châu Thành, Hậu Giang) tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, chuyên ngành phát triển nông thôn. Chị từng làm việc tại phòng Tài chính, huyện Châu Thành, nhưng đến cuối năm 2017, Oanh phải nghỉ việc, do thuộc diện tinh giản biên chế. Không để bản thân chán nản, Oanh nhanh chóng xây dựng trang trại nuôi heo rừng.
Để mở trang trại đòi hỏi đầu tư vốn lớn, Oanh vay mượn người thân, bạn bè 200 triệu đồng xây 220m2 chuồng trại và mua thêm heo giống. Thực ra, Oanh đã nuôi heo rừng từ 3 năm trước nhưng quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không được như mong đợi. Một lần tình cờ xem trên ti vi về mô hình chăn nuôi heo rừng của thanh niên ở Đồng Tháp rất hiệu quả, cô đã cất công sang tận nơi tham quan, học hỏi, rồi mua 50 con giống về nuôi.
Theo lời Oanh, heo rừng dễ nuôi, chủ yếu ăn phụ phẩm nông nghiệp như các loại rau, chuối cây… nên tiết kiệm được chi phí. “Trong khi, hiện nay, nuôi heo thường giá cả bấp bênh, rủi ro cao, chi phí, công chăm sóc cao. Còn nuôi heo rừng được công ty đầu tư con giống, bao tiêu sản phẩm luôn nên người chăn nuôi đỡ bị áp lực”, Oanh nói.
Oanh kể, ngoài tiếp thu hướng dẫn kỹ thuật từ công ty cung cấp con giống, cô học thêm sách vở chuyên ngành chăn nuôi, xem thông tin thêm trên mạng, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi.
Năm 2018, trang trại của Oanh bước đầu có những thành công nhất định, xuất trên 100 con heo thịt và giống, giúp cô trả gần hết khoản nợ vay 200 triệu đồng. Tuy nhiên, mục tiêu của Oanh là mở rộng quy mô trang trại, làm riêng khu nuôi sinh sản, khu nuôi heo thịt và tiến tới khép kín, ngày càng chuyên nghiệp hơn. Vì thế, cô đang tìm hiểu, tiếp cận thêm các nguồn vốn vay để đạt được mục tiêu đề ra.
Oanh cho biết, sẽ tận dụng phân heo ủ lại nuôi trùn quế, sau thời gian bán được trùn thịt, còn phân bán cho nông dân trồng cây và rau sạch. “Tất cả những vấn đề này, tôi đã thử nghiệm và cho kết quả tốt”,Oanh nói.

Tự tin lập nghiệp

Thế mạnh vùng đất Châu Thành, nơi Oanh sinh sống không phải là chăn nuôi heo, mà là vùng nguyên liệu trồng cam sành đứng đầu tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, cam bị dịch bệnh, suy thoái, giá cả bấp bênh. Nhiều người trồng cam chuyển sang cây khác, những người còn lại lên Bình Dương, TPHCM làm thuê đủ các nghề. Nói về thực trạng bạn trẻ tại miền quê mình chọn con đường tha phương làm thuê, Oanh tỏ ra tiếc nuối. “Trong cuộc sống, mỗi người có một quan điểm sống, lựa chọn cho mình con đường khác nhau. Nhưng những bạn trẻ rời quê chủ yếu là lao động tay chân, lương tháng 5 - 6 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí thuê nhà trọ, ăn uống, mỗi tháng còn dư 1 - 2 triệu đồng, thậm chí có người không để dư được đồng nào. Nếu các bạn ấy có đủ kiên trì, quyết tâm, có mô hình cụ thể, ở quê lập nghiệp sẽ tốt hơn đi xa, không chỉ làm giàu mà còn được làm chủ bản thân”, Oanh bày tỏ quan điểm.
“Mình là người trẻ, nếu có khó khăn, ai cũng chùn bước, rời quê đi làm thuê thì ai sẽ phát triển quê hương? Trong khi trách nhiệm đó thuộc về những người trẻ tuổi”, Oanh nói.
Anh Nguyễn Quốc Việt, Bí thư huyện Đoàn Châu Thành đánh giá, Oanh có tính sáng tạo và chủ động trong phát triển kinh tế. “Những ngày đầu lập nghiệp, Oanh gặp khó khăn về vốn nhưng bằng sự nỗ lực bản thân, cô dần vượt qua, bước đầu gặt hái thành công. Bên cạnh đó, Oanh còn nhiệt tình giúp đỡ thanh niên địa phương kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi cũng như hỗ trợ giống để cùng nhau phát triển, tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, anh Nguyễn Quốc Việt nói.
“Mô hình chăn nuôi heo rừng của Oanh có tính khả thi cao, có thể nhân rộng cho toàn tỉnh. Tỉnh Đoàn Hậu Giang cũng thường xuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật để Oanh ngày càng hoàn thiện hơn. Đồng thời, đang hỗ trợ Oanh vay 170 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của T.Ư Đoàn để phát triển trang trại, phát triển kinh tế”.
Anh Nguyễn Minh Thương, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Hậu Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm