Thị trường

'Kho vàng' lộ thiên của cặp vợ chồng người Mông ở đỉnh mây mù

Tuyến đường bê tông từ trung tâm xã Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) lên thôn Lùng Thàng dài chưa đầy chục cây số nhưng nhiều đoạn quanh co, chênh vênh ven sườn núi. Lần đầu đi trên đường hình con rồng lượn, nhiều đoạn làm chúng tôi thót tim. Ấy thế mà Tẩn Láo San cứ phóng vèo vèo, đi được một đoạn anh lại dừng xe chờ chúng tôi.

Tẩn Láo San phân bua: “Mình là con của núi nên việc đi lại quen đường rồi mà, đi xe chậm như các bác khó chịu lắm”. Nói rồi, San nhấn ga xe máy ngược dốc lao vào đám sương mờ. Khi đến đầu thôn, San cho xe chạy chậm rồi dừng hẳn trước cổng khu gia trại đon đả mời khách vào nhà.

Vợ chồng Tẩn Láo San bên gốc sưa đỏ-"kho vàng" lộ thiên mà vợ chồng anh trồng cách đây hơn 15 năm.

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn cây sưa, Tẩn Láo San chỉ vào mấy hố gốc cây đã bán, khoe: Đây là 5 cây bán thử được hơn 50 triệu đồng, vừa đủ với số tiền mua giống cây. Khách mua từ dưới xuôi lên, người ta trả 2 - 3 triệu đồng/kg loại lõi cây đường kính 10 - 15 cm. Lõi cây đường kính hơn 15 cm giá cao gấp 3 lần.

Đến thời điểm này, nhà anh San có khoảng chục cây sưa đỏ, khách đến hỏi mua cây sưa đỏ với giá từ 70 đến 150 triệu đồng/cây nhưng anh chưa bán. Tính ra, nhà Tẩn Láo San có tiền tỷ từ cây sưa.

Đưa chúng tôi sang khu nuôi lợn rừng, Tẩn Láo San gõ mấy tiếng vào chiếc xoong thủng, hàng trăm con lợn từ khắp khu vườn cây gỗ sưa chạy túa về khoảng đất trống. Cả đàn tranh nhau ăn ngô hạt trộn với rau xanh. Ấn tượng nhất là có một con lợn nái nằm trong ổ chờ ngày đẻ.

Anh San giải thích: Con lợn rừng sắp đến ngày đẻ, thấy nó cắn ổ thì phải thả ra vườn để nó tự làm ổ. Những ngày nó làm ổ, không được đến gần bởi bản năng hung dữ có thể xảy ra nguy hiểm. Sau khi đẻ khoảng 2 tuần, lợn mẹ dẫn đàn con ra ngoài thì mình mới lùa nhốt vào chuồng để chăm sóc giống như những giống lợn khác...

Trước khi chia tay ra về, Tẩn Láo San mời chúng tôi ghé thăm nhà ở cách gia trại chừng 300 mét. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh nói: Hoàn cảnh gia đình đông con, quanh năm vợ chồng lam lũ, vật lộn với ruộng nương mà nghèo đói cứ níu lấy không chịu buông tha. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nói gì đến chuyện lo cho con đi học. Vợ chồng tôi đã từng vay vốn theo chính sách hộ nghèo để làm nấm rơm, nuôi lợn... nhưng đều thất bại.

Cách đây 15 năm, nghe đài, đọc báo biết đến cây gỗ sưa có giá trị kinh tế cao, anh San nhờ người quen mua giống trồng thử 40 cây. Phấn khởi khi cây lên xanh tốt, hợp với chất đất vườn đồi của nhà, dự định tiếp tục nhân rộng thì có người nói cho biết đó là sưa trắng, bán không có giá. Sau lần ấy, anh khăn gói về Tam Đảo (Vĩnh Phúc) học cách nhận biết cây sưa đỏ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, nơi tiêu thụ.

Trở về nhà, anh bàn với vợ bán trâu, bán nương thảo quả, vay thêm tiền ngân hàng đầu tư trồng sưa đỏ. Anh dự tính tiền mua 1.000 cây giống sưa đỏ với tổng chi phí cả công vận chuyển hết hơn 50 triệu đồng. Chi phí bảo vệ cây trồng rào bằng lưới sắt, cột bê tông chắc chắn, lâu bền cũng tốn khoảng 50 triệu đồng nữa.

Vợ anh nghe xong tỏ vẻ nghi ngờ muốn được đến tận nơi xem thế nào đã, thận trọng vẫn hơn. Sau chuyến “du lịch Tam Đảo”, vợ chồng anh trăn trở cả năm trời mới dám bán nương thảo quả rộng 11 ha để có tiền gây dựng gần 2.000 m2 vườn đồi trồng cây sưa đỏ. Ước mơ có vườn rừng cây sưa đỏ đã trở thành hiện thực, có khoảng 800 cây.

Ban đầu, cây sưa chưa kịp lớn, nguồn thu chủ yếu là chăn nuôi gà, lợn đen bản địa, theo kiểu “lấy ngắn, nuôi dài”. Trừ chi phí đầu vào, gia đình anh có thu nhập hằng năm ổn định từ 150 đến 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn về tận Công ty TNHH một thành viên lợn rừng Đúc Sơn ở Ba Vì (Hà Nội) học thêm mô hình trồng cây sưa đỏgắn với phát triển chăn nuôi lợn rừng giống.

Vợ chồng Tẩn Láo San bên đàn lợn rừng.

Thế rồi, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư thêm cả trăm triệu đồng nữa để nuôi lợn lai rừng giống gắn với nuôi lợn bản địa. Nhờ phát triển chăn nuôi đúng hướng, gia đình có thêm thu nhập, nâng lên 250 đến 300 triệu đồng/năm. Nguồn thu khá dần, gia đình anh có tích lũy, làm được nhà ở mới, mua sắm xe máy, bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, máy vi tính, điện thoại thông minh và nhiều đồ dùng phục vụ sinh hoạt, học tập cho các con.

Anh Tẩn Láo San cho biết: Chuyện làm ăn có khi thành công, cũng có khi thất bại. Điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã phải biết đứng lên, biết được vì sao mình thất bại. Trong kinh tế thị trường, việc đầu tư phát triển chăn nuôi hay trồng cây đều phải hướng tới tiêu thụ được sản phẩm và nhất thiết phải có lãi. Trồng cây gì hay nuôi con gì cũng phải tính toán đến hiệu quả kinh tế.

Thoát khỏi đói nghèo, điều khiến vợ chồng anh hạnh phúc nhất là có điều kiện cho các con ăn học đầy đủ và hiện đã có việc làm ổn định, có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Đi lên từ nghèo đói, từ vất vả, gian nan, khó khăn và không ít thử thách, bây giờ cái tên của anh đã thành thương hiệu “San sưa”, “San lợn rừng”. Tôi nghĩ rằng Tẩn Láo San xứng đáng được nhiều người tôn vinh: “Anh là người thành công trong việc nuôi được con cá lớn trong cái ao nhỏ”.

Đến thăm mô hình vườn rừng gỗ sưa đỏ gắn với chăn nuôi lợn rừng khá độc đáo của Tẩn Láo San thấy được ở anh ý chí và ước mơ không cam chịu nghèo đói. Tẩn Láo San bứt phá vươn lên trở thành chủ hộ giàu có trên mảnh đất Lùng Thàng.

Theo Tuấn Lợi/Báo Lào Cai
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo