Thị trường

18 mặt hàng có nguy cơ bị Mỹ điều tra phòng vệ thương mại

DNVN - Gạch men, xe đạp điện, gỗ thanh, pin năng lượng mặt trời, nhôm thanh định hình…. là những sản phẩm có nguy cơ bị Mỹ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

84 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài / Việt Nam có cơ hội đón dòng giao dịch mạnh mẽ về năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương vừa công bố danh sách cảnh báo 18 sản phẩm có nguy cơ bị Mỹ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cập nhật đến tháng 6/2023.

Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng: Sau nhiều lần gia hạn, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7/2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị coi là lẩn tránh.

Tủ bếp và tủ nhà tắm: Mỹ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% - 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% - 293,45%.

Theo kế hoạch, tháng 10/2023 DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.

Ghế sofa có khung gỗ: Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế 25%. Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Mỹ, có khả năng Mỹ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam.


Ảnh minh hoạ.

Đá nhân tạo bằng thạch anh: Mỹ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo bằng thạch anh của Trung Quốc từ tháng 5/2019 với mức thuế chống bán phá giá từ 265,81% - 336,69%, mức thuế chống trợ cấp từ 45,32% - 190,99%.

Gạch men: Mỹ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4/2020.

Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh vì bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vì vậy, cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này.

Xe đạp điện: Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 2/2019. Thời gian qua, thông qua việc đưa mặt hàng này vào danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường kiểm tra giám sát và ngăn chặn một số trường hợp doanh nghiệp kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện.

Vỏ bình ga: Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng vỏ bình ga của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ 30.000 USD năm 2018 lên 3 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 23,6 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 4,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.

Ghim đóng thùng: Hiện nhập khẩu từ Việt Nam đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng nhập khẩu từ Mỹ. Do đó, bên cạnh hoạt động giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ cần tiếp tục lưu ý khả năng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này.

Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục: Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8/2021. Mỹ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12/2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế chống bán phá giá thấp nhất là 33,87%, thuế chống trợ cấp thấp nhất là 20,56%).

Pin năng lượng mặt trời: Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9/2021. Mỹ cũng đang duy trì biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012.

Thép carbon chống ăn mòn: Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 3/2022. Mỹ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Ống thép hộp và ống thép tròn: Đây là mặt hàng có rủi ro cao bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục xu hướng tăng nhanh với tốc độ như thời gian vừa qua. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất cáp thép dự ứng lực xuất khẩu sang Mỹ vì sẽ dễ trở thành đối tượng của việc điều tra chống lẩn tránh do DOC tiến hành.

Cáp thép dự ứng lực: Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cáp thép dự ứng lực nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó có các thị trường đáng chú ý như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Máy giặt dân dụng cỡ lớn: Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với máy giặt dân dụng cỡ lớn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico. Đồng thời, sau 5 năm, biện pháp tự vệ mà Mỹ áp dụng đối với nhập khẩu máy giặt dân dụng cỡ lớn đã hết hạn vào tháng 2/2023.

Thép hình cán nóng: Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thép hình cán nóng của Việt Nam sang Australia đạt 9,7 triệu USD, tăng 23,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.

Dây và cáp nhôm: Sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu dây và cáp nhôm của Việt Nam sang Mỹ đạt 96 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước.

Nhôm thanh định hình: Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm định hình nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2011. Năm 2019, Mỹ cũng đã tiến hành điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam.

Mặt bích bằng thép không gỉ: Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt bích bằng thép không gỉ của Việt Nam sang Mỹ đạt 24,5 triệu USD, tăng 45,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,6% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.

Đây là những mặt hàng có rủi ro bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần lưu ý tránh sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm