Thị trường

2 năm thực thi EVFTA: 34% doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc xuất xứ

DNVN - Kết quả khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, 34% doanh nghiệp (DN) cho biết nhờ nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại đã đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA; chỉ có 13% DN là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này.

Đà Nẵng: Các thương nhân đầu mối, nhà phân phối ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu / Giá vàng ngày 14/11/2022: Bất ngờ quay đầu giảm phiên đầu tuần

Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đến nay Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã thực thi được hơn 2 năm. Theo giới chuyên gia, sau 2 năm triển khai, EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
Theo kết quả khảo sát "Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn DN" do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF và sự tham gia của hơn 500 DN trên cả nước, tỷ lệ các DN Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất tích cực, với gần 41% cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Đồng thời có tới gần 94% DN từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về hiệp định này.
Về sử dụng các ưu đãi thuế quan, có 17% DN đã được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA với ít nhất 1 lô hàng xuất khẩu, 16% đã có lô hàng nhập khẩu hưởng ưu đãi. Đa số DN biết tới các ưu đãi này là nhờ chủ động tìm hiểu cam kết (73%) và/hoặc được đối tác gợi ý, hỗ trợ tận dụng (36%).
Về việc DN đã làm gì để được hưởng ưu đãi, có tới 34% DN cho biết nhờ nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại may mắn đã đáp ứng quy tắc xuất xứ (QTXX) của EVFTA. Chỉ có 13% DN là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này. Với các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng QTXX yêu cầu (20-33% DN hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như GSP hay thuế MFN thấp (18-31%).
Bình luận về kết quả này, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cam kết về QTXX mà Việt Nam đàm phán được khá phù hợp với thực trạng sản xuất hiện nay của nước ta. Đó cũng là nỗ lực của đoàn đàm phán không chỉ câu chuyện về thuế mà còn về QTXX để làm sao chúng ta có QTXX thuận lợi nhất, phù hợp nhất.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
"Chẳng hạn với giày dép, chúng ta luôn có tỷ lệ tận dụng khá là tốt vì QTXX đó khá phù hợp với hiện trạng sản xuất hiện nay của Việt Nam và chúng ta đáp ứng được", bà Cẩm Trang nói.
Một trong những nhiệm vụ của cơ quan đầu mối về thực thi EVFTA là theo dõi trong quá trình thực thi xem có những vướng mắc, vấn đề gì cần sửa đổi lại, cần trao đổi lại với phía đối tác để đưa ra những thay đổi, đề xuất và phối hợp với phía bạn cho phù hợp nhất.
Đối với đàm phán EVFTA nói chung và đàm phán về QTXX trong hiệp định này nói riêng, Việt Nam đã kết thúc đàm phán từ năm 2016. Do đó, có những nội dung nếu so sánh với công nghệ hiện tại thì đã có sự thay đổi.
Trên thực tế, theo phản ánh của một số DN, tại thời điểm cam kết, công nghệ chưa phát triển như thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như làm găng tay trước đây phải cắt và khâu nhưng giờ là dập thay vì cắt và khâu. Và trong đàm phán QTXX vẫn là cắt và khâu. Hay những sản phẩm len trước đây là cắt nhưng giờ làm theo những hình thức khác. Như vậy, nếu theo đúng cam kết thì DN không được hưởng ưu đãi thuế quan.
"Chúng tôi có nắm được câu chuyện liên quan đến công nghệ cắt và bây giờ là dệt thành hình, không cần qua khâu cắt. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, chúng tôi đã trao đổi với cấp kỹ thuật phía bạn để có thể chỉnh sửa điều này. Và ngay sau khi các ủy ban thực thi hiệp định được thành lập thì vấn đề này cũng đã được cấp kỹ thuật trình lên. Tóm lại vấn đề công nghệ thay đổi đã được trao đổi cả về nội dung và hình thức", bà Cẩm Trang thông tin.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho rằng, EVFTA không phải là văn bản "chết", mà là thực thể sống động, vẫn tiếp tục được điều chỉnh. Chính thực tiễn hoạt động kinh doanh của DN sẽ là nguồn cực kỳ tốt trong việc tận dụng lợi thế hiệp định, đồng thời giúp hoàn thiện hiệp định để đáp ứng thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
"Tôi tin rằng, không chỉ phần kỹ thuật mà những vấn đề lớn hơn nữa nếu có những thay đổi thì cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Với tâm thế này, chúng ta cùng hi vọng EVFTA sẽ có sức sống mãnh liệt lâu dài, các DN tiếp tục tận dụng được cơ hội và lợi thế của EVFTA. Điều kiện tiên quyết để các DN có thể tận dụng được các cơ hội từ EVFTA chính là sự chủ động, nỗ lực từ phía các DN và từ phía các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực thi", bà Thu Trang chia sẻ.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm