Thị trường

24.000 container phế liệu tồn cảng: Chậm thông quan ngày nào là “bóp chết” DN ngày đó

DNVN - Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 1,Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tồn ở cảng đang khiến doanh nghiệp phải rơi nước mắt.

Tiêu dùng sôi động trong tháng giáp Tết / Giá vàng tiến sát ngưỡng 37 triệu đồng/lượng

Hiện có khoảng hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tồn đọng ở các cảng biển trên toàn quốc. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề là các container không thông quan được trong khi doanh nghiệp (DN) phải trả phí lưu kho mỗi ngày 40-50 USD. Như vậy, mỗi ngày DN các nước thiệt hại 600.000-800.000 USD.
Trong khi đó, những DN nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phần lớn là các DN nhỏ và vừa. Việc tồn đọng khiến nhiều DN phải đóng cửa, công nhân mất việc, hợp đồng phải hủy bỏ. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp muốn thuê các hãng tàu tiếp tục vận chuyển phế liệu thì bị các hãng này từ chối hoặc nâng cước lên 1,5 lần.
Cuối năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và 09/2018/TT-BTNMT về quy chuẩn quốc gia về môi trường với nhập khẩu phế liệu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hai thông tư trên có quy định giao cho các cơ sở ngành tài nguyên môi trường được kiểm tra về chất lượng. Điều này tạo thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo Chính phủ hôm 31/1. (Ảnh: VNE)

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo Chính phủ hôm 31/1. (Ảnh: VNE)


Bộ trưởng chỉ ra rằng, một lô hàng container phế liệu nhập khẩu hiện do 4 cơ quan kiểm tra trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương và cả cơ quan giám định độc lập. Trong khi ấy, cơ quan giám định độc lập đã là đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến chất lượng.
Ngoài ra, hàng nhập khẩu về cảng một địa phương nhưng nhà máy của doanh nghiệp có khi lại ở nơi khác. Bởi vậy, khi có giấy chứng nhận của cơ quan giám định độc lập, DN phải mang giấy về Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy. Sau đó cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xuống cảng xem có đúng là phế liệu hay không. Việc đi lại theo Bộ trưởng chính là DN phải lo trong khi đây là những đơn vị nhỏ và vừa. Thực tế này đã khiến nhiều DN phải rơi nước mắt.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thừa nhận, một loạt văn bản thực hiện các luật vô tình đã sinh ra chồng chéo, khó thực hiện cho các đơn vị địa phương. Cụ thể là do cách thực hiện của một số đơn vị tài nguyên môi trường địa phương chưa thực sự sâu sát, chưa thực sự sáng tạo để giảm thời gian thông quan cho các lô hàng.
Bàn về cách xử lý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và không chấp nhận việc thông tư số 08, 09 giao trách nhiệm cho quan quản lý Nhà nước về môi trường địa phương tham gia kiểm tra chất lượng.
Tinh thần của Thủ tướng là chỉ đạo ngành hải quan giải quyết nhanh thủ tục theo quy định, DN mở tờ khai khi nào thì áp dụng cơ chế tại thời điểm đó.
Liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh về việc cấp phép và quản lý phế liệu nhập khẩu.
Theo văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất là một nhu cầu thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hải quan, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, ngoại thương...
Do vậy, việc quản lý phế liệu nhập khẩu có sự tham gia của nhiều bộ, ngành như các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ,... cùng với các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Việc các cảng biển của Việt Nam xảy ra tình trạng tồn đọng các container phế liệu trong thời gian qua đã tác động xấu đến hoạt động của các ngành sản xuất cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với nước ta.
Để giải quyết các vấn đề bất cập trong nhập khẩu phế liệu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, tính đến tháng 12/2018, tổng lượng container có tên khai báo trên Emanifest là phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển gồm 18.861 container. Trong đó, lượng container lưu giữ dưới 30 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu là 7.815 container, lượng container lưu giữ từ 30 - 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu là 1.751 container, cơ quan hải quan đang phối hợp với các hãng tàu để thông báo, mời các doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan theo quy định.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm