Thị trường

3 khó khăn trong kết nối tiêu thụ nông sản giữa đại dịch

DNVN - Hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đứt gãy do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Để giải bài toán đầu ra cho nông sản Việt cần cả những giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn và đặc biệt là giải pháp căn cơ.

Phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn / VN-Index hồi phục trong phiên chiều, nhóm ngân hàng rực đỏ

Đứt gãy chuỗi cung ứng
Tại Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 5/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã lan rộng với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản đến vụ, ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Dịch bệnh cũng đã khiến cung - cầu thiếu kết nối; chuỗi cung ứng tiêu thụ xuất khẩu đã bị gián đoạn, đứt gãy do thiếu lao động sản xuất, chế biến và thu hoạch; hạn chế trong vận chuyển và lưu thông hàng hóa giữa các địa phương; nhu cầu tiêu thụ của các thị trường giảm do thực hiện biện pháp giãn cách xã hội; năng lực hoạt động logistics của nền kinh tế còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc sự kiện.
Nhấn mạnh đến chuỗi cung ứng, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đối với doanh nghiệp, chuỗi cung ứng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. Thực tế, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc cầu tiêu dùng suy giảm cũng như cả vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy do dịch bệnh.
Dù Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giầy, đồ gỗ nhưng sự lây lan của COVID-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro.
"COVID-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và DN. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. COVID-19 đã khiến DN nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của DN", ông Hải nhấn mạnh.
3 khó khăn trong kết nối tiêu thụ nông sản
Dẫn số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, số lượng lớn nông sản bị tồn kho, trong đó, lúa gần 5 triệu tấn, rau củ 3,7 triệu tấn, trái cây hơn 4 triệu tấn, lợn hơi 80.000 tấn, thịt gà 600.000 tấn, trứng gia cầm 400 triệu quả...
Trong khi đó, theo ông Chiến, hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản đối mặt với 3 khó khăn chính. Đó là nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu; chất lượng nông sản không đồng đều, thiếu ổn định; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong hỗ trợ lưu thông hàng hóa nông sản, thực hiện các thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Dù vậy, trong năm 2021, Cục XTTM đã chủ động cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước; hỗ trợ kết nối trên môi trường số thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ trên môi trường số và qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) từ kết nối tiêu thụ nông sản cho các thương nhân.
"Theo đó, Cục đã hỗ trợ kết nối cho khoảng 5.200 lượt DN đa dạng các ngành hàng và tiếp xúc với các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường thuộc 5 châu lục. Trong đó, chương trình đưa nông sản lên các sàn TMĐT lớn đã thu được nhiều kết quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân", ông Chiến thông tin.
Giải pháp tất yếu, căn cơ
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, việc ứng dụng TMĐT trong bối cảnh dịch bệnh là lựa chọn tất yếu. Lợi ích mà TMĐT mang lại trong thời dịch bệnh là vẫn có thể bảo đảm lưu thông hàng hóa và hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
"Việc kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại là TMĐT và phương thức phân phối truyền thống thông qua các hệ thống siêu thị cũng như các chợ truyền thống là giải pháp tất yếu, căn cơ trong tình hình mới", bà Huyền nhấn mạnh.
Giải thích cho quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, việc kết hợp giữa hai phương thức phân phối truyền thống và hiện đại tối đa hóa được các nền tảng của hai hệ thống phân phối. Đó là sự chuyên nghiệp của hình thức phân phối TMĐT thông qua các hệ thống logistics, shipper và sự chuyên nghiệp của các chuỗi siêu thị cũng như sự quan trọng của các chợ đầu mối.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Cũng theo bà Huyền, TMĐT tiết kiệm được thời gian và phí cho cả người dân và DN. Việc lựa chọn kết hợp giữa hai phương thức phân phối này đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bà Huyền cho biết, xác định việc lưu thông hàng hóa có ý nghĩa quan trọng trong thời dịch bệnh, từ năm 2020, Cục TMĐT và Kinh tế số đã triển khai các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển TMĐT, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua TMĐT và qua chương trình Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.
Đề xuất các giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, trước hết cần có chiến lược đầu tư nhất định về hệ thống kho dự trữ, tăng cường chế biến nông sản. Ngoài ra, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần định hướng cho người nông dân trong hoạt động sản xuất, điều chỉnh quy mô sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt các địa phương không được đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch cực đoan, gây ách tách hàng hóa, gây khó cho tiêu thụ nông sản. Thêm vào đó, việc hướng dẫn các địa phương trong việc mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch cũng rất quan trọng bởi hai hệ thống tiêu thụ này số lượng lớn nông sản, là kênh tiêu thụ truyền thống tồn tại nhiều năm qua.
Về lâu dài, ông Đông cho biết, phải làm tốt bài toán về liên kết sản xuất và lưu thông, tránh tình trạng người nông dân sản xuất tự phát. Việc liên kết hợp tác giữa ngân hàng, hợp tác xã, DN bán lẻ và người nông dân trong bài toán tổng thể khép về tiêu thụ nông sản cần được tính đến.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm