5 năm cải thiện môi trường kinh doanh: Hầu hết chỉ số có tăng điểm
Giá vàng hôm nay 3/11: Vàng giảm giá, ngân hàng mua vào / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: TP.HCM kêu gọi vốn 870.000 tỷ đồng, CPTPP có hiệu lực cuối năm
Tiến 30 bậc trong bảng xếp hạng
Trong 5 năm liên tiếp từ năm 2014 - 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã tiến khoảng 30 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh |
Sau 5 năm, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.
Nhìn lại sau 5 năm, chỉ số khởi sự kinh doanh đã được cải thiện; cấp phép xây dựng duy trì thứ hạng tốt; tiếp cận điện năng liên tục tăng điểm, tăng bậc. Đăng ký sở hữu tài sản năm 2018 lần đầu tiên có cải thiện sau 5 năm; giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có sự cải thiện nhờ việc công khai các bản án. Giao dịch thương mại qua biên giới, lĩnh vực liên quan nhiều tới hoạt động kiểm tra chuyên ngành, không có nhiều sự thay đổi về điểm số, nhưng giảm bậc. Hiệu quả logistics năm 2018 của Việt Nam được cải thiện nhiều nhất trong hơn một thập niên qua. Riêng giải quyết phá sản là điểm trừ của môi trường kinh doanh và hiện xếp thứ 133 thế giới.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho rằng, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, có nhiều nội dung đặt ra nhưng vẫn chưa được cải thiện.
“Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số chưa đạt trung bình ASEAN 4 cả về điểm số và thứ hạng, dù khoảng cách đang được thu hẹp dần”, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Trong 10 chỉ số của năm 2018, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng ấn tượng nhất, từ vị trí 66 năm 2017 lên vị trí 27; chỉ số thành lập doanh nghiệp cũng tăng từ 123 lên 104.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đó là: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Mặc dù, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần đảm bảo chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành.
“Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh”, bà Minh cho hay.
Ở chiều ngược lại trong Doing Business 2019, Việt Nam có tới 6 chỉ số bị tụt hạng. Tụt mạnh nhất là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giảm tới 45 bậc; chỉ số xuất nhập khẩu giảm 6 bậc; giải quyết phá sản giảm 4 bậc; cấp phép xây dựng tụt 1 bậc...
Lý giải về việc tụt hạng năm nay của chỉ số thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Tổng cục Thuế cho biết còn nhiều cải cách của Việt Nam chưa được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận. Cụ thể: thời gian nộp thuế là 351 giờ, tuy nhiên khi phân tích cho thấy trong đó có đến 334 giờ là dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thực tế, thời gian nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ/năm. Đây là mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, một loạt chính sách thuế không được WB cập nhật trong báo cáo năm nay như: bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế VAT (đã được bỏ từ tháng 11/2014). Trong khi đó, báo cáo WB đánh giá thời gian để DN lập bảng kê hóa đơn mất 90 giờ...
Còn theo ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tư vấn thuế, vẫn còn nhiều quy định chồng chéo hay chính sách thuế thay đổi quá thường xuyên, quá nhiều, đến mức “ngay cả những người có chuyên môn cũng khó tra cứu và nắm bắt thông tin”.
“Về lâu dài, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh. Việc liên thông điện tử này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường mà còn là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp”, bà Trần Thị Hồng Minh đề xuất.
Cần nỗ lực gấp 4-5 lần
“Mình tụt hậu không phải do không có cải cách mà cải cách của các nước tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Các nước xung quanh cũng quyết tâm mà chúng ta chỉ quyết tâm như những năm trước thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Quyết tâm của chúng ta phải gấp 3, 4, 5 lần so với trước, khi đó mới đạt được mục tiêu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cho rằng, thời gian qua, bộ ngành đã bị áp lực trong thực hiện Nghị quyết 19, nay nếu cải thiện vượt trội để vượt qua các nước khác sẽ là thách thức không hề nhỏ.
“Duy trì nỗ lực đã khó, đòi hỏi nỗ lực ấy gấp nhiều lần càng khó hơn. Nhưng tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cần thấy rằng đây là cơ hội không cải cách lần này thì cơ hội cải cách mất đi, chi phí làm lại sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều bởi thời gian làm lại rất dài và lợi ích sẽ giảm dần”, Phó Viện trưởng CIEM nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam