Thị trường

Sớm phê chuẩn CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam

(DNVN) - Sáng 2/11, đọc tờ trình trước Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhiều lợi ích cho Việt Nam nếu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm được phê chuẩn.

Không có dự án nào lãi như thế này, chỉ đầu tư 50 tỷ đồng thu hơn 1.000 tỷ đồng / Vì sao EU chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam?

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa, chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN cũng như trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP. (Ảnh: VPQH)

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP. (Ảnh: VPQH)

Việc tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực ứng phó trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, tham gia CPTPP đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế cho Việt Nam.
Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng…đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với các điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội.
Hiệp định CPTPP gồm 07 Điều và 01 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã được 12 nước ký ngày 06/02/2016 tại New Zealand cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến chương sở hữu trí tuệ, chương mua sắm của Chính phủ, chương quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.
Việc tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ này là để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
CPTPP quy định nhiều vấn đề, như: Mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; doanh nghiệp nhà nước và mở rộng đến các vấn đề phi truyền thống trong đàm phán, kí kết các hiệp định tự do thương mại như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư.
Hiệp định CPTPP được đánh giá là một hiệp định tự do thương mại chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 06 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP.
Sau khi nghe Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm