Thị trường

7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 26,7% so với cùng kỳ 2020

DNVN - 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu (NK) ước khoảng 24,7 tỷ USD, tăng 42,8%; xuất siêu khoảng 3,9 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu dệt may - động lực phục hồi trong 'bão' COVID-19 / Xuất khẩu điện thoại và máy vi tính cùng cán mốc 20 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tháng 7, kim ngạch XK ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 26,7% so với tháng 7/2020, giảm 9,5% so với tháng 6/2021. Theo thống kê, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,8 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,41 tỷ USD, thủy sản đạt 800 triệu USD và chăn nuôi đạt 44,1 triệu USD.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16,0%.

Theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…

7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản ước đạt 28,6 tỷ USD tăng 26,7% so với cùng kỳ 2020.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, cao su, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Cao su (tăng 33,6% khối lượng, tăng 73,6% giá trị), hạt điều (tăng 21,4% khối lượng, tăng 14,0% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 10,3% khối lượng, tăng 24,1% giá trị).

Riêng hồ tiêu dù khối lượng XK giảm (đạt 182.000 tấn, giảm 1,3%) nhưng nhờ giá XK bình quân tăng nên giá trị XK vẫn tăng (đạt 599 triệu USD, tăng 49,8%).

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế.

Trong tháng 7 có 3 mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, gồm: Cà phê (giảm 9,3% khối lượng, giảm 1,7% giá trị), gạo (giảm 10,6% khối lượng và giảm 0,6% giá trị), chè (giảm 4,5% khối lượng và giảm 0,3% giá trị).

Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng: Hồ tiêu đạt 3.292,9 USD/tấn (tăng 51,8%), cao su đạt 1.677,4 USD/tấn (tăng 30,0%), gạo đạt 541,5 USD/tấn (tăng11,2%), cà phê đạt 1.840 USD/tấn (tăng 8,3%), sắn đạt 255,3 USD/tấn (tăng14,1%), chè đạt 1.655,3 USD/tấn (tăng 4,4%).

Riêng giá XK hạt điều đạt 6.092 USD/tấn (giảm 6,1%).

Về thị trường XK, ước tính giá trị XK nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,0% thị phần), châu Mỹ (31,0%), châu Âu (11,0%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%).

Thị trường XK lớn nhất là Mỹ, đạt trên 8,2 tỷ USD (chiếm 28,9% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 72,2% tỷ trọng kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) với kim ngạch XK nhóm rau quả chiếm tới 26,9% tỷ trọng kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 6,8%) và XK nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 42,9% giá trị XK nông, lâm, thuỷ sản); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,2 tỷ USD (chiếm 4,3%) và XK nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,2% giá trị XK nông, lâm, thuỷ sản).

Về NK, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch NK các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước khoảng 24,7 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng sẽ có kế hoạch tổ chức thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm