7 tháng năm 2022: Hơn 133.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
DNVN - Số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, nhiều chỉ số của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện. Trong đó, cả nước có 133.700 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khai trương tuyến tàu biển nối miền Trung Việt Nam với Ấn Độ - Bangladesh / Xuất khẩu gỗ 7 tháng đầu năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2021
Gần 13.200 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1/7 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm trước.
Về tình hình đăng ký DN, trong tháng 7, cả nước có gần 13.200 DN thành lập mới, giảm 0,7% so với tháng trước, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước còn có 2.300 DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021.
7 tháng năm 2022, cả nước có 133.700 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có hơn 5.200 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, có hơn 4.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,2% và tăng 12,3%; có 1.767 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,7% và tăng 22,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133.700 DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 94.600 DN, tăng 18,7%. Bình quân một tháng có 13.500 DN rút lui khỏi thị trường.
Vốn FDI đạt mức cao kỷ lục
Một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng tiếp tục ghi nhận sự cải thiện. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2022 ước đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt hơn 11,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2022 có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là gần 314 triệu USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng gần 45 triệu USD, giảm 89,4%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt xấp xỉ 359 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, giá cả, vận tải và du lịch, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2022 ước đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205.800 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2022 đạt hơn 352.000 lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Xuất siêu hơn 760 triệu USD
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt hơn 30 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 216 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt trên 30 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 216 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước
Theo đó, tháng 7 ước tính xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 3,3 tỷ USD).
Trong 7 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt trên 67 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỷ USD.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo