9 giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
(DNVN) - Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần thực hiện 9 giải pháp chính từ nay đến năm 2020.
Chính phủ chỉ đạo phát triển hệ thống thanh toán mới tại Việt Nam / Giá trị thu được từ ngành cà phê chưa tương xứng
Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ, trên cơ sở đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã đạt một số kết quả tích cực.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 11 DNNN và 01 đơn vị sự nghiệp.
Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.348 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.289 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.791 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 99 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5 tỷ đồng.
Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Và để tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, Bộ Tài chính đã đề ra 9 giải pháp cụ thể trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Hai là, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước như: rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN trong năm 2019 và 2020;
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; về tổ chức, hoạt động của các DNNN trong năm 2018; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong năm 2018 - 2019;
Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong Quý IV/2018.
Ba là, hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2018, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.
Bốn là, Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt (đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Trường hợp cần điều chỉnh tiến độ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/10/2018. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước 31/12/2018.
Năm là, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cấp có thẩm quyền có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Sáu là, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật;
Thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa và xác định số phải nộp về Quỹ (nếu có) đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa quyết toán và hoàn thành trước 31/12/2018, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này; Thực hiện đúng thời gian việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành.
Bảy là, Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại DNNN trên toàn bộ các lĩnh vực; Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tám là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.
Chín là, định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo