9 tháng đầu năm: Duy trì đà xuất siêu
Nhiều yếu tố tích cực
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước đạt 382,72 tỷ USD, với kim ngạch XK 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%; nhập khẩu 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I/2019 và quý II/2019, sang quý III, XK đã có sự cải thiện, đưa tổng kim ngạch XK trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng XK từ 7 - 8% trong năm 2019.
Ông Phạm Tất Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) - đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp (DN) trong nước với thành tích XK những tháng đầu năm. Tốc độ tăng kim ngạch XK 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI (đạt 5%). Sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK hàng hóa 9 tháng đầu năm.
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối DN trong nước không đến từ nhóm nông - thủy sản mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi XK nhóm nông - thủy sản giảm 5,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. XK nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo, cao su... của khối DN trong nước đều đạt mức tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của DN, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Cùng với tăng trưởng XK ổn định, từ đầu năm đến nay, mặc dù có sự thâm hụt thương mại trong một vài tháng đầu năm nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD.
Hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu
Trong những tháng cuối năm 2019, XK hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... Bên cạnh đó, theo chu kỳ, XK hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp lễ, tết.
Nhằm hỗ trợ tăng trưởng XK hàng hóa trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực khai thác tối đa các cơ hội, tích cực triển khai giải pháp bổ trợ để thúc đẩy XK. Bên cạnh đó, chú trọng kiểm soát nhập khẩu, xử lý vấn đề lẩn tránh thuế bằng cách cảnh báo sớm nguy cơ lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ (C/O); chủ động kiểm tra, xác minh, chống gian lận C/O và thông tin, cảnh báo các tổ chức cấp C/O, bộ, ngành, hiệp hội liên quan về việc tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận như sắt, thép, gỗ dán, xe đạp điện, lốp ôtô, nhôm, gạch men, dệt may...
Bộ Công Thương cũng đã và đang xây dựng phương án tổ chức sản xuất, hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài. Kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng và khơi thông thị trường XK.
Bộ Công Thương đang phối hợp chặt với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất nông sản theo hướng liên kết vùng nhằm có được nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng tốt, mở cửa thị trường cho các nhóm ngành hàng vào Trung Quốc - một trong những thị trường XK lớn nhất của ta.
End of content
Không có tin nào tiếp theo