An Giang: Cả làng sống khỏe re nhờ làm rập bắt chuột, rắn, ếch
Nuôi loài "đoản thọ", tối ngày kêu ri ri, tù tì cho tiền mỗi tháng / Hậu Giang: Rắn ri cá giống 'hút hàng', giá tăng chóng mặt
Nghề làm rập chuột ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành (An Giang) được hình thành cách đây trên dưới 60 năm. Những năm qua, nghề này góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là những người không có đất sản xuất (SX), người già, phụ nữ... Bà con nơi đây rất tự hào với nghề này vì đã giúp họ thoát nghèo, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Máy móc thay dần thủ công ở làng nghề làm rập chuột
Đến thăm các cơ sở SX rập chuột ở thị trấn An Châu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì có nhiều người trong gia đình, từ người già, đàn ông đến phụ nữ đang cắm cúi bên chiếc rập chuột. Ông Võ Văn Sơn, Tổ phó làng nghề rập chuột thị trấn An Châu cho biết, làng nghề được hình thành cách đây trên dưới 60 năm và được công nhận làng nghề từ năm 2007.
Ứng dụng máy móc kỹ thuật trong các công đoạn làm rập chuột
Nghề làm rập chuột hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là thời điểm thu hoạch lúa đông xuân và hè thu. Những năm gần đây, nhiều địa phương thực hiện đê bao khép kín để SX vụ 3, nên nhu cầu đánh bắt chuột đồng gây hại ngày càng nhiều. Đặc biệt, khi chuột đồng trở thành một trong những món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích, giúp những người dân trong làng nghề “sống khỏe” vào tất cả thời điểm trong năm.
Theo ông Sơn, làm ra 1 cái rập chuột tuy đơn giản nhưng phải qua rất nhiều công đoạn. Trước đây, đa số các cơ sở đều SX theo truyền thống, sử dụng các phương pháp thủ công nên số lượng sản phẩm (SP) làm ra ít, dao động khoảng 700 - 800 rập chuột/ngày. Ngoài ra, việc SX bằng tay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động do phải thường xuyên tiếp xúc với sắt, thép và những vật dụng nguy hiểm khác.
Người dân An Giang mang rập bẫy đi bắt chuột đồng. Ảnh: P.T-Đ.Đ (Báo An Giang).
Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng, mỗi cơ sở được trang bị máy cắt sắt, máy hàn bấm… nên việc SX ngày càng thuận lợi. Sản lượng bình quân mỗi cơ sở dao động 2.000 - 2.500 rập chuột/ngày.
“Trước đây, làm rập chuột hoàn toàn bằng tay, bây giờ nhờ có máy cắt sắt và máy hàn hỗ trợ, công nhân đỡ vất vả, sản lượng làm ra tăng hơn trước. Ngoài ra, việc trang bị máy móc, thiết bị hiện đại góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, chất lượng SP được nâng lên, từ đó uy tín của làng nghề được nâng cao, đời sống người dân ngày càng ổn định” - ông Sơn nhận định.
Ổn định sản xuất, thu nhập khá với nghề
Hiện nay, mỗi rập chuột giá dao động từ 3.000 - 10.000 đồng. Bình quân mỗi lao động trong làng nghề có thu nhập từ 70.000 - 200.000 đồng/ngày. Làng nghề rập chuột ở thị trấn An Châu ngoài SP chính rập chuột còn SX các SP khác như: rập rắn, rập ếch, lồng nuôi gà… SP của làng nghề khi SX ra luôn đảm bảo chất lượng, bền, mẫu mã đẹp nên được thị trường đón nhận nhiệt tình. SP hiện nay được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh miền Đông, miền Bắc và nước bạn Campuchia. Nguồn nguyên liệu được nhập từ TP. Long Xuyên và TP. Hồ Chí Minh đảm bảo đúng về yêu cầu và chất lượng.
Làng nghề rập chuột ở thị trấn An Châu phát triển, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, do giá nguyên liệu tăng nên việc SX có lúc gặp khó khăn. Thêm vào đó, tình trạng người lao động bỏ địa phương đi làm ăn ở xa, nên bài toán về lao động đang là vấn đề khó đối với các cơ sở trong làng nghề.
Những năm qua, huyện Châu Thành đã hỗ trợ cho các cơ sở đầu tư mua sắm, nâng cấp thiết bị máy móc, phát triển SX, trong đó có làng nghề làm rập chuột ở thị trấn An Châu. Năm 2017, huyện đã hỗ trợ 12 đề án, với tổng kinh phí 223 triệu đồng. Việc hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại bước đầu mang lại hiệu quả cho các cơ sở, doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, giảm giá thành, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người lao động ở địa phương.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo