An Giang: Làm giàu từ mô hình đa canh trên đất lúa
Bến Tre: Hiệu quả cao từ chuyển đổi sản xuất muối sang nuôi tôm biển / Bà Rịa – Vũng Tàu: Hiệu quả cao từ mô hình trồng sen lấy củ
Xuất phát từ những suy nghĩ như vậy, anh Thật quyết định chuyển hẳn sang canh tác theo mô hình này. Nghĩ là làm chơi nhưng mô hình đa canh này lại mang đến hiệu quả bất ngờ với gia đình người nông dân chất phác ấy! Nhìn mảnh vườn rộng lớn, cây trái xanh mướt của anh Thật, ai cũng khen người nông dân chăm chỉ, chịu thương chịu khó làm lụng, sáng tạo trên từng tấc đất.
Trên mảnh vườn đa canh rộng lớn của mình, các loại cây như: bầu, mướp, bí, đu đủ, ớt… luân phiên cho trái. Chia sẻ về mô hình đa canh, anh Thật cho biết anh phải đi học hỏi rất nhiều nơi mới mạnh dạn chuyển đổi. Sau nhiều lựa chọn, anh Thật quyết định trồng các loại cây có múi như: bưởi da xanh ruột hồng, cam, quýt… vì đây là những loại cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây.
Hiện, anh đang trồng 900 gốc cây có múi với thời gian hơn 10 tháng. Rồi xen canh diện tích đất trống, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Thật trồng thêm 500 gốc đu đủ lùn và nhiều loại cây ngắn ngày khác như: ớt, rau má, bầu, bí.
Ban đầu với suy nghĩ đơn giản là trồng để tận dụng đất trống, vì bỏ không cũng uổng, nhưng anh Thật phấn khởi chia sẻ rằng, việc tận dụng đất trống để trồng thêm cây ngắn ngày lại cho kết quả rất khả quan, trồng chơi nhưng lại “ăn thiệt”! Bởi, mỗi ngày anh Thật thu lợi nhuận từ bán nông sản ngắn ngày cũng được 500.000 đồng.
Mô hình đa canh trên đất lúa giúp anh Thật có thu nhập ổn định
“Riêng đối với cây đu đủ, sau khi trồng từ 7-8 tháng thì bắt đầu cho trái. Đợt đầu tiên thu hoạch, tôi bán được 500-700kg đu đủ. Giá thương lái mua 10.000-12.000 đồng/kg; đu đủ đẹt để làm mắm thì có giá khoảng 5.000 đồng/kg. Cây đu đủ rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Chỉ mới vụ đầu mà nguồn thu từ trái đu đủ cũng… “không tệ”! Tôi đang chuẩn bị đất để trồng thêm măng tây và khóm. Còn các cây dài ngày như: bưởi, cam, quýt… hiện đang phát triển rất tốt. Trong tương lai gần, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình tôi.
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, trồng lúa trên đất kém hiệu quả vừa cực công chăm sóc, giá thành lại rất bấp bênh, có mùa vụ còn bị lỗ. Giờ chuyển sang làm vườn, tuy cực nhưng mang đến nhiều hy vọng cho tôi. Vì đây chỉ là bước đầu của quá trình chuyển đổi nhưng giúp gia đình mang lại nguồn thu nhập ổn định” - anh Nguyễn Văn Thật chia sẻ.
Mô hình đa canh được thực hiện với việc anh Thật tận dụng diện tích các mương trống khi lên liếp làm vườn để nuôi cá. Theo đó, giống cá anh chọn thả nuôi là cá rô. Ngoài ăn thức ăn, cá rô còn ăn các dây bầu, bí, mướp cặp theo các giàn leo nên thịt rất chắc.
Hôm chúng tôi đến thăm, anh Thật cho biết vừa thả nuôi cá rô đợt 2 với số lượng 80.000 con cá giống. “Đợt đầu tiên, tôi vừa xuất bán thời gian gần đây. Sau 3 tháng nuôi, cá rô đạt trọng lượng 500gr/con. Sau đợt đầu xuất bán, trừ hết chi phí, tôi còn lợi nhuận hơn 30 triệu đồng” - anh Thật tiết lộ.
Ngoài ra, anh Thật còn nuôi thêm cá lóc với số lượng 20.000 con giống trong bể. Theo anh Thật, cá lóc có thời gian nuôi khoảng 6 tháng. Nuôi trong bể có thể kiểm soát được nhiệt độ và xử lý kỹ thuật cần thiết. Tháng 5 hoặc tháng 6 tới, anh Thật sẽ cho xuất bán đợt cá lóc này.
Dự kiến, trọng lượng cá khi thu hoạch có thể đạt khoảng 9 tấn. Nghe anh Thật chia sẻ về mô hình đa canh mới thấy rằng, người nông dân rất giỏi và chịu khó. Phải chăng những giọt mồ hôi “1 nắng, 2 sương”, sớm hôm vất vả đã tôi luyện cho người nông dân ý chí và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương như thế! Đâu dừng lại ở đó, mô hình đa canh của anh Thật còn tạo thêm việc làm thời vụ cho 5-10 lao động vùng quê, với tiền công 120.000 đồng/người/8 tiếng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải đánh giá: “Mô hình đa canh của nông dân Nguyễn Văn Thật cho thấy đây là hướng đi đúng đắn khi chuyển đổi cây trồng. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, anh Thật còn tự chế ra máy bơm nước để tưới cho vườn cây đa canh của mình.
Quá trình trồng trọt, địa phương rất quan tâm, cán bộ nông nghiệp thường xuyên đến hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn tạo phù sa, chăm sóc đất sau thu hoạch cho anh Thật. Từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân, chúng tôi sẽ hỗ trợ anh Thật 40-50 triệu đồng để nuôi bò. Hy vọng, anh Thật sẽ tận dụng tốt nguồn cỏ tươi trong vườn để nuôi bò đạt hiệu quả tốt nhất!”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo