Thị trường

An Giang: Trồng gấc dược liệu, ông Nhiều thu được nhiều tiền hơn

Tận dụng đất ở chân núi và triền núi, bà con nông dân (ND) 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang trồng các loại cây dược liệu như: đinh lăng, nghệ, ngãi, ba kích... trong đó có cây gấc, để phát triển kinh tế gia đình. Với đặc tính dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, không kén đất và có đầu ra ổn định

Tận dụng lợi thế đất chân núi

Khoảng 3 năm trước, khi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Nguyễn Văn Nhiều (quê ở Châu Lăng, Tri Tôn) canh tác nông nghiệp ở Tà Lọt (xã An Hảo, Tịnh Biên) đã đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh, từ Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai... để tìm kiếm mô hình phù hợp nhằm phát triển kinh tế gia đình...

Ông Nhiều đi tiên phong trong việc trồng gấc ở Tà Lọt

Đến những nơi này thấy được mô hình trồng gấc mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nhiều đã quyết định nghiên cứu áp dụng và bắt đầu cải tạo đất lúa, mua cây giống trồng thí điểm.

“Vùng này xưa nay thường thiếu nước sản xuất trong mùa khô nên mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa và 1 vụ màu. Canh tác lúa ở đây năng suất không cao, giá cả lại bấp bênh nên gia đình gặp không ít khó khăn. Từ ngày chuyển sang trồng cây gấc, kinh tế gia đình có phần ổn định hơn so với trước đây” - ông Nhiều chia sẻ.

Về kỹ thuật trồng gấc, ông Nhiều cho hay, trên diện thích 1,5ha, ông Nhiều xuống giống gấc với mật độ 4m/cây. Theo ông Nhiều, gấc là loại cây trồng không kén đất, có sức chống chịu tốt, ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều.

Đặc biệt, gấc là loại cây trồng lâu năm, chỉ cần trồng 1 lần là có thể cho thu hoạch từ 10-15 năm tiếp theo. Tuy nhiên, trên cây gấc thường xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại chủ yếu như: sâu ăn lá, rệp sáp dính, rầy nhớt... các đối tượng này tương đối dễ phòng ngừa, điều trị. Đặc biệt là vào mùa mưa, trái gấc thường bị ruồi vàng tấn công trái nên phải bảo vệ bằng cách sử dụng bao trái.

"Ngoài ra, trong quá trình canh tác gấc, nông dân phải cắt tỉa bớt lá thường xuyên để giàn thông thoáng, tránh ủ mầm bệnh. “Sau mỗi đợt thu hoạch dứt điểm, đến đầu mùa mưa của vùng Bảy Núi là ông tiến hành cắt dây, tỉa cành, chừa lại tán bán kính khoảng 2m để cây nảy chồi mới. Sau thời gian 2 tháng là cây lại cho trái và bắt đầu thu hoạch cho vụ tiếp theo” - ông Nhiều thông tin.

Quan trọng nhất là tìm được đầu ra

Ông Nhiều cho biết về kinh nghiệm trồng gấc, gấc trồng khoảng 1 năm là có thể thu hoạch. Trọng lượng trái đạt từ 800 - 1,2kg. Nếu trồng đúng quy trình sẽ cho năng suất từ 800 - 1,5 tấn/công và được thương lái mua với giá từ 8.000 - 11.000 đồng/kg.

Trên thị trường, ngoài việc làm thực phẩm thì trái gấc còn được sử dụng nhiều trong y học, nhất là làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... được người tiêu dùng rất ưa chuộng. “Gấc cho thu hoạch khá đều đặn, cứ cách vài ngày lại thu hoạch 1 lần. Trồng gấc dễ và cho thu nhập ổn định hơn trồng lúa rất nhiều” - ông Nhiều nói.

Trồng gấc làm dược liệu ở tỉnh An Giang mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Bên cạnh việc trồng gấc, ông Nhiều còn tận dụng đất dưới giàn, trồng thêm cây đu đủ, bưởi, mãng cầu ta để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất. Đây là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

Tuy nhiên hiện nay, gấc chỉ cung cấp cho các thương lái ở Tri Tôn và Long Xuyên để làm dược liệu, thực phẩm, mỹ phẩm... Các công ty dược ở Cần Thơ cũng đang có nhu cầu về trái gấc rất lớn, hiện ông Nhiều đang chuẩn bị thương lượng mức giá cũng như cách thức thu mua... Nếu mức giá ổn định, ông Nhiều sẽ tiến hành quy hoạch lại vườn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để cho năng suất, lợi nhuận cao hơn.

Gấc có thể xem là loại cây trồng mang lại nguồn thu khá cao cho bà con ND so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển mô hình còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún nên người trồng gấc còn chưa hết vất vả trong khâu tiêu thụ.

TS Châu Minh Khôi, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, gấc là loại cây trồng nhiệt đới, được trồng phổ biến ở Việt Nam. Trái gấc giàu Carotenoids, được sử dụng để chế biến thực phẩm và dược liệu. Giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và hạn chế bệnh thiếu Vitamin A gây giảm thị lực ở trẻ em.

Theo Đình Đức/Báo An Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo