ASEAN cần phản ứng ở cấp độ khu vực để thích ứng Công nghiệp 4.0
Thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm / Cái bắt tay "Win - Win" giữa T&T Land và 5 đại lý phân phối dự án T&T Phố Nối
Trước thềm WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội tuần tới, phóng viên VOV phỏng vấn ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khả năng các thành viên ASEAN tận dụng cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 để tạo dựng Cộng đồng ASEAN.
Ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương |
ASEAN cần ‘tầm nhìn khu vực’
PV:Mô hình của liên kết trong Cộng đồng có phải là tối ưu với ASEAN trong bối cảnh hiện tại không, thưa ông?
Ông Justin Wood: Năm 2017, chúng ta vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhìn lại nửa thế kỷ, chúng ta thấy được nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Điều này là không dễ dàng gì trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu có những xáo trộn lớn, và ngay cả các nước ASEAN cũng có những bất ổn về kinh tế, chính trị.
10 quốc gia trong khu vực đang cố gắng chèo lái con thuyền ASEAN qua những khó khăn này để có thể định hình một cộng đồng vững mạnh gồm nhiều quốc gia.
“Nhiều quan điểm đều nhất trí rằng, sự đa dạng chính là khởi nguồn của sức mạnh. Bởi ASEAN sẽ có nhiều cơ hội để bổ sung lẫn nhau. Ví dụ, Việt Nam có thế mạnh ở lĩnh vực này, Thái Lan có ưu thế ở lĩnh vực khác, Indonesia lại có khả năng ở lĩnh vực khác. Các nước có thể liên kết lại với nhau, tận dụng thế mạnh của nhau để tạo ra các chuỗi giá trị, giải quyết từng khâu như quản lý tài chính, chế tạo sâu, hoặc sản xuất hàng hóa tiêu dùng. Sức mạnh chính là khả năng tổ chức, hợp tác để kết hợp các nguồn lực khác nhau: lao động, vốn, kỹ năng, thể chế…”, ông Justin Wood.
Trên thế giới, người ta đã và đang xây dựng các khối hoặc cộng đồng khu vực. Thành công nhất là Liên minh châu Âu, tiếp đó chắc chắn phải là ASEAN. Chúng ta cần phải khen ngợi những thành công mà ASEAN đã đạt được. Hiển nhiên là còn rất nhiều vấn đề tồn tại, những mục tiêu chưa hoàn thành. Nhưng một khi chúng ta đã nhận thức được công việc cần phải làm, cho dù tiến triển có chậm thì chúng ta đã có những cơ sở quan trọng, những thành quả lớn đã đạt được bất chấp những khó khăn suốt 50 năm qua.
Còn về tương lai, theo tôi, một trong những điều quan trọng nhất là cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây là khái niệm phù hợp để diễn tả lại toàn bộ khuynh hướng nổi lên của công nghệ vào cùng một thời điểm: trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, y học chính xác, vật liệu tiên tiến. Có rất nhiều công nghệ tiên tiến xuất hiện cùng lúc thực sự đã cơ cấu lại, thay đổi hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội, chính trị và quản trị nhà nước theo những cách thức chưa từng có. Và tốc độ thay đổi đang diễn ra ngày càng nhanh, ở mọi quốc gia, vì thế ASEAN không phải là ngoại lệ.
Tôi tin rằng ASEAN cần nhìn nhận sâu sắc hơn và có những phản ứng ở cấp khu vực. Điều này sẽ hiệu quả hơn việc hành động ở từng quốc gia đơn lẻ. Với ASEAN, để có thể tận dụng được hết các cơ hội và giải quyết các thách thức, các quốc gia phải có suy nghĩ ở tầm khu vực và có các biện pháp ở quy mô khu vực. Điều đó mới giúp doanh nghiệp cạnh tranh hơn. Ví dụ như dữ liệu cần phải được di chuyển xuyên biên giới. Nó sẽ tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới như internet vạn vật, dịch vụ từ xa hoạt động hiệu quả. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nghiêm túc trong việc đánh giá cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
PV: Ông nói tới sự đa dạng như là sức mạnh và bản sắc của ASEAN. Nhưng nhiều người gọi đó là điểm yếu bởi chênh lệch khoảng cách phát triển hạn chế sự hợp tác trong ASEAN. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Justin Wood: Tôi phải khẳng định rằng một trong những thách thức ghê gớm nhất mà ASEAN phải giải quyết chính là sự bất bình đẳng. Nhiều người tranh luận rằng sự bất bình đẳng này còn có thể trầm trọng hơn khi bước vào CMCN 4.0. Khi đó, lợi ích có được nhờ tiến bộ công nghệ sẽ rơi vào tầng lớp phía trên của xã hội, và sẽ loại trừ những tầng lớp ở phía dưới của thang xã hội. Bất bình đẳng trong nội bộ quốc gia thực ra đang là điều gây băn khoăn rồi. Còn ở góc độ khu vực, nó biểu hiện ra qua mức độ phát triển giữa nước giàu và nước rất nghèo. Tôi phải nói lại rằng CMCN 4.0 có đủ khả năng để phá vỡ những sự khác biệt này. Nó thực sự sẽ giúp điều chỉnh tương lai kinh tế khu vực.
Ví dụ trong lĩnh vực y học, nhiều nước trong ASEAN không có trình độ cao về lĩnh vực này, và còn thiếu cả nhân lực nữa. Nhưng nếu mọi người được trang bị smartphone, được phép truy cập các dịch vụ y tế trên mạng internet, hiện đã có nhiều công cụ rất phức tạp để giúp họ làm điều này. Nó sẽ giúp mang dịch vụ y tế tới cho mọi người. Điều này cũng có thể áp dụng với giáo dục, và một loạt các dịch vụ khác. Chúng ta có thể định hình các nền tảng xã hội và kinh tế trong tương lai thông qua các công nghệ đang xuất hiện ngày hôm nay. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng bất bình đẳng là vấn đề cấp thiết với khu vực, nhưng cần phải nhìn vào khả năng khoa học công nghệ giúp giải quyết những bài toán này.
PV: WEF ASEAN 2018 với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và cuộc CMCN 4.0” khá sát với tình huống này. Ông kỳ vọng gì vào kết quả của hội nghị?
Ông Justin Wood: Chúng tôi lựa chọn chủ đề này bởi đó là câu hỏi lớn cần được nghiên cứu ở nhiều chiều, ở nhiều lĩnh vực. Và quan trọng là khu vực này sẽ ứng xử ra sao? Một trong những chủ đề lớn nhất là Tương lai của việc làm, hiển nhiên là bởi sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo (AI), chi phí giảm khiến công nghệ robot ngày càng phổ thông hơn, công nghệ xe tự lái cũng dần hiện thực.
Tất cả những thứ này đang đe dọa tới công việc của con người trong tương lai gần. Tại ASEAN, chúng ta cần phải thấy rằng quy mô của lực lượng lao động ở cả 10 nước đang tăng lên từng ngày.Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 11.000 người mỗi ngày. Và con số này còn tiếp tục tăng trong 15 năm tới.
Bởi vậy, chúng ta đã nhìn thấy sự bùng nổ về quy mô của lực lượng lao động cùng lúc những công nghệ tiên tiến đang phá hủy tương lai của việc làm. Giờ đây ta phải xem xem việc làm tương lai sẽ đến từ đâu, mọi người sẽ kiếm sống như thế nào? Một trong những câu trả lời đó chính là tinh thần doanh nghiệp. Những doanh nghiệp khởi nghiệp ngày hôm nay sẽ xây dựng nên những công ty cho tương lai, họ chính là người sẽ định hình nền kinh tế và các mô hình kinh doanh nhiều năm nữa.
Hội nghị sắp tới sẽ bàn xem liệu công nghệ sẽ lấy đi của con người công việc gì, nhưng một phần quan trọng khác là cuộc thảo luận để làm sao có thể nuôi dưỡng, hỗ trợ các start-ups như một cách để thích ứng với những thay đổi này, để xây dựng nghề nghiệp, doanh nghiệp và nền kinh tế trong tương lai.
Đổi mới sáng tạo là điểm yếu của kinh tế Việt Nam
PV: Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của WEF, Việt Nam được xếp hạng ở vị trí thứ 55. Như vậy là đã có những cải thiện so với năm trước đó. Điều này hàm ý gì, thưa ông?
Ông Justin Wood: Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu của WEF nhằm mục đích đo lường sự lên xuống về năng suất của các nền kinh tế, năng suất là nhân tố quyết định thu nhập bình quân đầu người ở quốc gia đó. Chúng tôi tính toán, phân tích 106 yếu tố khác nhau của nền kinh tế để xem liệu nền kinh tế đó là mạnh hay yếu.
Bức tranh tổng thể của Việt Nam đang có những sự cải thiện. Việt Nam đã cải thiện được 5 bậc so với đánh giá trước đó. Vậy Việt Nam mạnh nhất ở điểm nào? Trước hết đó là lĩnh vực y tế. Các bạn có những thành tựu rất đáng kể trong lĩnh vực này, tuổi thọ bình quân cao, nguy cơ bùng nổ các đợt dịch bệnh thấp, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh thấp, các loại chỉ số này cho thấy mức độ phát triển của Việt Nam.
Điểm đáng chú ý thứ hai là sự ổn định về kinh tế. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ lạm phát ít biến động và tương đối thấp, và tỷ lệ tiết kiệm cao đi kèm tỷ lệ đầu tư mạnh mẽ. Nền tảng của nền kinh tế Việt Nam là tương đối tốt. Còn về điểm yếu, điều đầu tiên cần chỉ ra là khả năng sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam khá thấp. Chỉ số đổi mới sáng tạo bao gồm các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D), số lượng các bằng sáng chế được cấp. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra điều này và đang đặt lĩnh vực này vào trọng tâm chính sách với mục tiêu cải thiện năng lực đổi mới sáng tạ.
Điểm yếu nữa là về chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng này. Nó liên quan tới việc doanh nghiệp tìm được lao động phù hợp có dễ dàng hay không, và khả năng người lao động chuyển việc có thuận lợi hay không? Thị trường lao động tại VN khá cứng nhắc, không hỗ trợ sự dịch chuyển của người lao động trong nội bộ nền kinh tế. Điều này kìm hãm khả năng thích ứng và tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngoài ra, một trong những phần quan trọng trong bản đánh giá này là về chất lượng thể chế, độ tin cậy của hệ thống tư pháp, và độ minh bạch của bộ máy hành chính. Tôi nghĩ rằng không quốc gia nào là hoàn hảo cả, luôn có những lĩnh vực cần cải thiện, hành động nhiều hơn. Và chúng tôi biết thủ tướng Việt Nam đã đặt ưu tiên cao trong nhiệm kỳ là cải thiện bộ máy hành chính, cải thiện chức năng của bộ máy chính quyền, giúp hoạt động được minh bạch và hiệu quả hơn. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực này.
PV: Còn về thỏa thuận hợp tác giữa WEF và Việt Nam, ông đánh giá ra sao về sự hợp tác này?
Ông Justin Wood: Năm ngoái, WEF đã ký một thỏa thuận đối tác với Chính phủ Việt Nam. Ý tưởng của thỏa thuận đối tác này là việc WEF sẽ mang tới Việt Nam những mô hình cải cách thành công mà tổ chức này đã từng làm được trên toàn cầu. Chúng tôi cố gắng để những mô hình này trở nên hữu dụng và có ý nghĩa tại Việt Nam. Chúng tôi đã đạt được nhiều thành công ở góc độ toàn cầu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, về tiến bộ kinh tế tương lai, trong an ninh lương thực, thương mại đầu tư, tương lai của kinh tế số, sản xuất. Chúng tôi đang tìm hiểu sâu để làm sao có thể đóng góp giải quyết các vấn đề này. cho những lĩnh vực này. Chúng tôi mang tới để ứng dụng trên quy mô quốc gia ở Việt Nam, để xem Việt Nam nên làm gì để đối phó với những sự bùng nổ về công nghệ.
PV: Xin cảm ơn ông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo