Bà con miền núi khấm khá nhờ trồng những 'cây đổi đời'
Đồng Nai: Nông dân thu lãi 'khủng' nhờ trồng rau tía tô xuất khẩu / Hà Nội: Thu lãi 'khủng' nhờ trồng bưởi da xanh
'Cây đổi đời' của người Mông Sa Pa
Từ một loại cây chỉ để “trồng cho vui”, giờ đây Actiso đã trở thành một trong những cây chủ lực, thành “cây đổi đời” của đồng bào dân tộc Mông ở các xã thuộc Sa Pa (Lào Cai). Quan trọng hơn, qua mô hình phát triển cây dược liệu này đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ cách làm của bà con, từ chỗ thoát nghèo, đã có thể làm giàu từ đôi bàn tay và rừng núi quê mình.
Anh Thào A Cáng là một trong những người tiếp cận việc trồng cây Actiso từ năm 2012. Anh cũng là người có kinh nghiệm trong việc trồng thứ cây dược liệu này ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa. Anh Cáng cho biết, cần chú ý nhất là khi mới gieo trồng, hạt giống có thể bị sâu cắn mà không nở thành cây được, hoặc nếu gieo mà bị úng nước hạt cũng dễ bị thối.
Để khắc phục điều này, khi cuốc hố gieo, anh đã được cán bộ kĩ thuật hướng dẫn để một mô đất nhỏ nhô lên giữa đáy rồi gieo hạt vào đó như một cách thoát úng cho hạt Actiso nếu trời mưa làm nước đọng trong hố.
Khi cây còn nhỏ cũng dễ bị kiến đỏ cắn chết, giải pháp được anh Cáng sử dụng là trộn vôi bột vào phân bón cho Actiso để diệt kiến. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay thì anh đã thuộc tính thuộc nết của loài cây dược liệu không lấy gì làm khó tính với rừng núi và khí hậu quê mình.
“Cây Actiso lại có khả năng chịu rét rất tốt. Càng rét cây càng lên tốt, có tuyết rơi cây vẫn chịu được, cỏ chết vì lạnh cây vẫn sống, trâu bò chết vì rét cây cũng vẫn sống”, anh Cáng nói. Gần mười năm gắn bó với cây Actiso, gia đình anh Thào A Cáng đã để dành được hơn một tỉ đồng, số tiền mà nhiều gia đình người Mông mơ ước.
Dạo quanh một vòng xã Sa Pả, thị trấn Sa Pa trước đây, nay là phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, khách tham quan như lạc trong màu rợp xanh của những triền đồi phủ thứ cây gần như cây cần tây nhưng lá to hơn, xanh mát mắt.
Điều đáng nói và đáng mừng là, nếu như một số loại cây trái, rau màu khác ở Sa Pa được trồng với số lượng lớn để về xuôi cung cấp ra thị trường, chủ các khu canh tác đều là người Kinh từ các tỉnh dưới xuôi lên làm ăn thì chủ của các vùng Actiso này lại là đồng bào Mông tại địa phương.
Đã có một sự thay đổi lớn trong nhận thức của đồng bào, để từ kiểu làm ăn tự cấp tự túc, trồng những cây ăn được, nuôi những con thịt được chuyển một bước sang nền kinh tế hàng hóa, sản xuất ra hàng hóa mang lại thu nhập để từng bước thoát nghèo.
Trồng gừng bán được giá, nông dân ở Suôi Thầu khấm khá
Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, việc trồng gừng ở thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần, Hà Giang) gặp thuận lợi, phát triển tốt, có chất lượng cao nên những năm gần đây giá trị gừng cũng nâng lên. Vụ thu hoạch năm ngoái, củ gừng Suôi Thầu có giá 11-12 ngàn đồng/kg, nay đã tăng lên từ 15-16 ngàn đồng/kg, giúp bà con phấn khởi và yên tâm canh tác loại cây trồng này.
Thôn Suôi Thầu có độ cao từ 700 – 1.200 m so với mực nước biển, là địa phương có chất đất tốt, khí hậu mát mẻ, phù hợp nhiều loại cây ăn quả và các loại cây gừng, nghệ. Trong đó, gừng là cây trồng bản địa được bà con người dân tộc Mông ở thôn Suôi Thầu canh tác lâu năm.
Trước đây, bà con Suôi Thầu chỉ trồng gừng với diện tích nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu của bà con và bán ở các chợ phiên. Nhưng những năm trở lại đây, gừng Suôi Thầu đã trở thành sản phẩm có đầu ra khá ổn định, mỗi năm đến vụ thu hoạch từ tháng 10 - 11 thương lái miền xuôi tìm đến mua gừng ở Suôi Thầu nhiều vì chất lượng tốt phù hợp làm các sản phẩm như: Mứt, ép tinh dầu gừng, làm dược liệu và gia vị,…
Năm 2020, bà con Suôi Thầu trồng 35 ha gừng, 5 ha nghệ vàng cho thu hoạch với sản lượng 25 tấn/ha. Đối với bà con người Mông thôn Suôi Thầu, việc trồng gừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương. Hàng năm, bà con thu hoạch và bán phần lớn sản lượng gừng thu được, phần còn lại để dùng làm gia vị, thuốc trong gia đình và làm giống trồng vụ sau.
Cứ thế, theo nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế mang lại, diện tích gừng Suôi Thầu tăng lên từng ngày và trở thành cây trồng chủ lực của bà con sinh sống trên thảo nguyên này.
Để cây gừng đạt năng suất cao hơn, cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh trên cây gừng. Nếu được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, 1 ha gừng có thể cho thu hoạch từ 25 - 35 tấn. Gừng là cây trồng dễ phát triển, không tốn nhiều công chăm sóc và ít bị sâu hại, có giá trị kinh tế, bên cạnh đó gừng có thể trồng xen canh với nhiều loại cây trồng nên bà con các địa phương khác cũng đang trồng loại cây này.
Liên kết trồng gừng xuất khẩu, dân nghèo Lục Khu thoát nghèo
Cũng nhờ trồng gừng để làm gia vị xuất khẩu mà vùng "đất khát" Lục Khu (thuộc huyện Hà Quảng, Cao Bằng) giờ đây đã đổi thay, đời sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc nơi đây không ngừng được nâng lên. Năm nay, vụ gừng ở Lục Khu vừa được mùa, vừa được giá nên bà con rất phấn khởi.
Ông Lưu Trọng Hính - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hà Quảng cho biết, khoảng 5 năm gần đây, vùng cao Lục Khu (tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã có những bước chuyển mình rõ rệt.Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã từng ngày thêm no ấm nhờ trồng gừng làm gia vị và xuất khẩu.
Trước đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để phù hợp với địa hình và điều kiện thiên nhiên ở các xã Lục Khu, năm 2016, chính quyền huyện Hà Quảng đã vận động người dân khai hoang để phát triển trồng trọt, trong đó ưu tiên trồng gừng làm cây mũi nhọn. Theo đó, để xây dựng vùng nguyên liệu gừng hữu cơ, huyện Hà Quảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích lên 500ha và đến 2030 là 1.000ha.
Nhờ hiệu quả kinh tế của cây gừng mà số hộ dân tham gia trồng gừng không ngừng tăng qua các năm, đến nay đã có trên 3.000 hộ trồng, chiếm 56% tổng số hộ dân tại Lục Khu, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Tày, Nùng.
Năm 2020, toàn huyện Hà Quảng trồng 150ha gừng, trong đó diện tích gừng được chứng nhận hữu cơ là 70ha. Sản lượng năm 2020 dự kiến đạt 2.000 tấn gừng củ.
Được mùa, được giá nên bà con nông dân phấn khởi vì đã thoát nghèo, thậm chí có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước