Thị trường

Bà Rịa - Vũng Tàu: Trồng đu đủ sạch cho thu nhập cao ở huyện Châu Đức

Thời gian gần đây, một số hộ nông dân tại xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi từ cây tiêu do bị rớt giá xuống thấp, sang trồng cây đu đủ theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ đó, các hộ trồng đu đủ đã có đầu ra rất ổn định, thu lãi lớn.

Vườn đu đủ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình ông Nguyễn Hữu Ân, ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã, huyện Châu Đức. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, trú tại ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã, huyện Châu Đức có kinh nghiệm trồng đu đủ trong nhiều năm. Anh cho biết, loại cây này dễ trồng, năng suất cao, đầu ra hiện nay rất ổn định. Do từ năm 2015, một số hộ trồng đu đủ trên địa bàn xã Bình Giã kết nối được với Công ty TNHH Nông sản A Cón để trồng đu đủ sạch theo hướng GlobalGAP. Theo đó, toàn bộ đu đủ của bà con đã được doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ.

Anh Hiếu cho biết thêm, trước đây, giá đu đủ khá bấp bênh, cao nhất được khoảng 7.000- 8.000 đồng/kg, có khi giảm mạnh, chỉ còn 1.000- 2.000 đồng/kg. Từ khi tham gia mô hình trồng đu đủ sạch, doanh nghiệp cam kết thu mua với giá khá cao, từ 8.000- 10.000 đồng/kg. Do đó, nông dân chỉ cần tập trung sản xuất nông sản chất lượng, không phải lo lắng nhiều về giá cả như trước đây. Hiện nay, gia đình anh Hiếu đang trồng 7 sào đu đủ, mỗi năm cho thu hoạch trên 15 tấn, thu nhập gần 200 triệu đồng.

Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Ân, cùng trú tại ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã, từ 4 sào đất trước đây trồng tiêu kém hiệu quả, nên năm 2018 ông đã chuyển qua trồng đu đủ. Do là đất mới trồng đu đủ nên cây phát triển rất tốt, cho sai quả, đến nay đã cho thu hoạch được gần 4 tháng, với hơn 8 tấn quả, cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Dự kiến vườn đu đủ của gia đình ông còn cho thu được khoảng 4-5 tháng nữa.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, trú tại ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức một trong những hộ tham gia mô hình trồng đu đủ sạch cho biết, để được công nhận GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật khắt khe; trong đó quan trọng nhất là việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

"Để được công nhận tiêu chuẩn GlobalGAP và công ty chấp nhận thu mua, chúng tôi phải đạt gần 300 tiêu chí. Cụ thể, các hộ tham gia mô hình trồng đu đủ sạch phải tuân thủ quy trình giống nhau về cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại nằm trong danh mục được cho phép, sau khi bón phân cần có thời gian cách ly đủ lâu mới được xuất sản phẩm ra thị trường…", ông Nguyễn Hùng Sơn thông tin.

Cũng theo ông Sơn, trồng đu đủ sạch không khó, nhưng cần chú ý các biện pháp phòng bệnh như làm đất sạch sẽ trước vụ, phun xịt thuốc đúng hàm lượng, thời điểm. Tốt nhất là nên canh tác luân canh đu đủ với các loại cây ngắn ngày khác chứ không nên làm 2 vụ đu đủ liên tiếp trên cùng một diện tích đất…

Theo bà Nguyễn Ngọc Phương Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Giã, khoảng 10 năm trở lại đây, đu đủ đã dần trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của xã Bình Giã với diện tích hàng chục héc ta. Thời gian gần đây, việc một số doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng đu đủ sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã đem lại hướng đi mới, nâng cao hiệu quả cho loại cây này tại địa phương. Xã Bình Giã đã thành lập tổ hợp tác, liên kết sản xuất đu đủ sạch GlobalGAP với diện tích 15ha. Sản phẩm sau khi thu hoạch được Công ty TNHH Nông sản A Cón thu mua để đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội.

"Hiện chính quyền đang vận động thêm các thành viên tham gia tổ hợp tác. Các hội viên sẽ liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật sản xuất đu đủ sạch đạt chuẩn. Tổ hợp tác cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích và số lượng người trồng đu đủ sạch tại địa phương, giúp sản phẩm này từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường", bà Nguyễn Ngọc Phương Nga cho hay.

Theo Hoàng Nhị/Dân tộc và Miền núi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo