Thị trường

Bắc Giang nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP bằng nhiều giải pháp

DNVN - Trong năm 2024, Bắc Giang đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phấn đấu có nhiều hơn sản phẩm 5 sao cấp quốc gia và sản phẩm điểm du lịch dịch vụ, thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu cho phát triển sản phẩm OCOP gắn với chế biến sâu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Sản lượng tiêu thụ điện lập kỷ lục mới / Đa sắc màu tuần hàng Việt Nam tại AEON Nhật Bản 2024

Sở hữu nhiều sản phẩm OCOP
Thời gian qua, phát huy các kết quả đạt được, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNTT, Cục PTNT cùng các đơn vị liên quan quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.
Luỹ kế hết năm 2023 Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch.
Trong đó lần đầu tiên Bắc Giang có sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao. Trong đó, có 3 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Với kết quả này, Bắc Giang đã trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước.
Trong tổng số 290 sản phẩm đã được công nhận có 249 sản phẩm nhóm thực phẩm (chiếm 85,9%), 35 sản phẩm nhóm đồ uống (chiếm 12,1%), 2 sản phẩm nhóm thảo dược (chiếm 0,7%), 1 sản phẩm nhóm thủ công mỹ nghệ (chiếm 0,3%) và 3 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (chiếm 1%).

Tính đến hết năm 2023 Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Về chủ thể, có 177 chủ thể, trong đó có 141 chủ thể HTX (chiếm 79,7%), 13 doanh nghiệp (chiếm 7,3%), 23 cơ sở sản xuất (chiếm 13,0%). Các chủ thể cơ bản là HTX, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Đặc biệt, nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Lực lượng này đã và đang góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và nâng cao vai trò của chương trình OCOP đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Phấn đấu thêm nhiều sản phẩm OCOP 5 sao
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Luy - Chi cục trưởng Cục PTNT Bắc Giang (Sở NN&PTNT Bắc Giang) cho biết, trong năm 2024, Bắc Giang đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phấn đấu có nhiều hơn sản phẩm 5 sao cấp quốc gia và sản phẩm điểm du lịch dịch vụ, thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu cho phát triển sản phẩm OCOP gắn với chế biến sâu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Với mục tiêu này, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT đã 2 lần phối hợp cùng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
Trong đó, đợt tập huấn thứ nhất diễn ra từ ngày 9-13/4, đợt thứ hai từ ngày 23-27/4, tại Trung tâm Thương mại thể thao Lam Sơn, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang.
Ở đợt tập huấn thứ nhất, đối tượng tham gia là các chủ thể có sản phẩm, hoặc ý tưởng sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP năm 2024 bao gồm: chủ trang trại, lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể... trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lạng Giang;, Tân Yên, Hiệp Hoà và thị xã Việt Yên.
Trong khi đó, đợt tập huấn thứ hai là các chủ thể có sản phẩm, hoặc ý tưởng sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP năm 2024 bao gồm: chủ trang trại, lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể... trên địa bàn các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang.
Tham gia tập huấn, học viên được đào tạo về phương pháp xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh; tổ chức quản trị sản xuất, quản trị chất lượng sản phẩm; các yếu tố cấu thành chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Các học viên còn được thực hành sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ tạo lập tài khoản, xác định tiêu chí, nộp minh chứng, tự đánh giá...

Bắc Giang phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2024.
Tại đợt tập huấn thứ nhất, học viên được đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế về phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất hoàn thiện sản phẩm OCOP tại tỉnh Lào Cai. Cụ thể, học viên được tham quan và học tập kinh nghiệm tại Công ty TNHH Hà Lâm Phong với các sản phẩm đặc sản nấm hương tươi, nấm hương khô; điểm du lịch làng nghề Thổ cẩm lan rừng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao...
Tại đợt tập huấn thứ 2, các học viên được tham quan tại Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng (Thanh Hóa) với các sản phẩm đặc sản nước mắm, mắm tôm tép đạt OCOP 4 sao; cơ sở sản xuất nem chua Tuyết Minh với sản phẩm nem chua Tuyết Minh đạt 3 sao; Làng du lịch sinh thái Yên Trung; cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Bá Quý với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao... Học viên cũng được tham quan các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP.
"Lớp tập huấn đã giúp các chủ thể sản xuất nâng cao năng lực, nắm bắt tốt thông tin thị trường, lựa chọn ý tưởng sản phẩm sản xuất kinh doanh, từng bước tiêu chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu cũng như đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Tham gia chương trình, các học viên được bổ sung kỹ năng truy cập, sử dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên môi trường điện tử, giúp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của chương trình", ông Luy chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT cũng tiến kiểm tra các sản phẩm OCOP đã được cấp giấy chứng nhận và khảo sát các sản phẩm mới đăng ký tham gia Chương trình năm 2024.
Theo đó, từ ngày 15-19/4, Chi cục PTNT phối hợp với phòng NNN&PTNT, phòng Kinh tế TP các huyện, thị xã: Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên, TP Bắc Giang và UBND các xã, phường có chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với các sản phẩm OCOP đã được cấp giấy chứng nhận OCOP theo quy định. Đồng thời tiến hành khảo sát điều kiện sản xuất kinh doanh thực tế của một số chủ thể có sản phẩm mới đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024.
Tổ công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất 45 sản phẩm được công nhận và sản phẩm mới tham gia của 21 chủ thể sản xuất. Quá trình thực hiện tổ đã kiểm tra các điều kiện về nhà xưởng sản xuất, điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố quy trình, sử dụng, quản lý tem nhãn mác OCOP sau khi được chứng nhận, tình hình phát triển sản xuất kinh doanh...
Đồng thời có kiến nghị, định hướng xử lý những tồn tại mà chủ thể còn thiếu sót nhằm thực hiện đầy đủ Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
An An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm