Bánh Trung thu "mua 1 thành 4": Nhà sản xuất và người bán vẫn lời khủng?
Đà Nẵng quảng bá du lịch tại Hàn Quốc / "Bẫy" huy động vốn
“Đua nhau” đại hạ giá
Ngày 26/9, theo ghi nhận của PV báo Kinh tế & Đô thị, hàng loạt sạp bán bánh Trung thu Như Lan, Kinh Đô, Đồng Khánh… trên nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương bán tháo bằng cách đồng loạt tung ra các chương trình giảm giá, “mua 1 tặng 3”, “mua 1 thành 4”…
Càng gần đến Trung thu, những tấm bảng “mua 1 thành 4” càng xuất hiện dày đặc tại các điểm bán bánh trung thu Kinh Đô, Như Lan, Đồng Khánh...Ảnh:Tiểu Thúy
“Là mặt hàng chỉ bán được một dịp duy nhất trong năm nên việc hạ giá, khuyến mãi cũng diễn ra đúng chu kỳ. Không được quá sớm, cũng không được quá muộn, cứ tới ngày tới giờ là tự nhiên giá sẽ hạ” – nhân viên của sạp bán bánh Trung thu trên đường Cao Xuân Dục (quận 8) cho biết.
Tương tự, tại điểm bán bánh Trung thu trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), giá nhiều loại bánh cũng đang giảm sâu, thậm chí chỉ bằng 1/4 so với lúc chưa khuyến mãi. Cụ thể, bánh Trung thu ngọt giá gốc 224.000 – 230.000 đồng/cái hiện chỉ còn 35.000 - 55.000 đồng/cái; bánh Trung thu mặn giá gốc 252.000 - 254.000 đồng/cái hiện còn 40.000 đồng - 60.000 đồng/cái.
“Giá khuyến mãi chỉ áp dụng cho bánh Trung thu Đồng Khánh. Còn bánh Kinh Đô, Như Lan vẫn bán theo giá niêm yết. Song, để kích cầu, khách hàng mua 1 bánh Kinh Đô hay Như Lan sẽ được tặng kèm 3 bánh. Tất nhiên, bánh tặng giá phải rẻ hơn bánh mua, vì nếu bánh tặng mà như bánh mua thì lấy đâu ra có lời” – chị Xuân, chủ sạp bánh này giải thích.
Nhiều điểm bán giảm giá bánh trung thu 1 trứng xuống còn 30.000 đồng/cái.Ảnh:Tiểu Thúy
Bán bánh Trung thu trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), anh Thuận cũng thừa nhận, dù đang treo bảng "mua 1 thành 4" nhưng bánh tặng không giống bánh mua: “Bánh tặng kèm nhỏ hơn bánh mua, nhưng đảm bảo vẫn ngon” – anh Thuận nói và nhấn mạnh, mức giảm giá bánh Trung thu sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới.
Cũng khẳng định sẽ duy trì chương trình khuyến mãi “mua 1 thành 4” tới hết mùa Trung thu năm nay, anh Quảng – chủ sạp bán bánh Trung thu trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) cam kết, những loại bánh được bán ra vẫn còn hạn sử dụng hơn 1 tháng: “Với các thương hiệu nổi tiếng như Kinh đô, Bibica, Như Lan… làm sao có giá “mua 1 thành 4”, ở đây người mua phải hiểu, bánh tặng kèm là bánh thương hiệu khác. Khi bán chúng tôi đều giải thích rõ cho khách hàng, thuận mua vừa bán” - anh Quảng bày tỏ.
Tuy nhiên, khi PV hỏi, bánh tặng kèm là thương hiệu gì thì anh Quảng ngập ngừng: “Thương hiệu gì mà không được, miễn ngon là được” – anh Quảng lúng túng đáp.
Một vốn bốn lời
Thị trường bánh Trung thu năm nay ghi nhận, ngoài các thương hiệu trong nước, còn có sự bùng nổ của nhiều thương hiệu bánh nhập khẩu từ Hong Kong, Đài Loan, Malaysia... với định giá cho phân khúc cao trung và cao cấp bán với giá thường cao gấp 2-3 lần so với các hãng trong nước, đem đến nhiều mẫu mã bắt mắt, khẩu vị cho thị trường.
Nhiều sạp bán bánh trung thu cho biết, tung chiêu "mua 1 thành 4"để đẩy nhanh hàng tồn. Ảnh:Tiểu Thúy
Ngoài ra, còn có phong trào làm bánh thủ công (handmade), bánh nhà làm... người tiêu dùng từ đó có thêm nhiều kênh lựa chọn. Do đó, để bán được bánh, các chương trình đại hạ giá “mua 1 bánh tặng nhiều bánh” bùng nổ trên khắp các nẻo đường.
Tuy nhiên, ông Cường - từng là chủ tiệm bánh tại quận 11, TP Hồ Chí Minh (nay đã giải nghệ) khẳng định, không e ngại, vì “mua 1 tặng 2,3,4” hay thậm chí “mua 1 thành 5”, thì người bán vẫn có lời.
“Người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm, họ biết rất rõ nguồn gốc, giá cả từng loại và tính toán chi li sao cho bán được hàng mà vẫn có lời. Bánh các cửa hàng dùng để khuyến mãi là loại bánh nhỏ và chất lượng kém hơn loại bánh khách hàng mua, cũng có khi là một thương hiệu khác có giá thành rất rẻ. Đương nhiên, khi giảm giá hoặc tặng kèm bánh thì lợi nhuận sẽ ít đi, nhưng thay vào đó, lượng khách tăng lên cao thì bán được số lượng bánh nhiều hơn, đâu cũng vào đấy” – ông Cường nói.
Đồng quan điểm, chị Trinh đang bán bánh Trung thu handmade cũng thừa nhận, khó có mặt hàng nào mà lợi nhuận cao như bánh Trung thu. Nói nếu “1 vốn 4 lời” cũng không quá.
“Nhiều người bán trên mạng chỉ trích tôi bán phá giá, nhưng mua bán mà, mỗi người một cách tiếp cận khách hàng. Tôi chọn bán rẻ để bán được cho nhiều người. Hơn nữa, để làm một cái bánh Trung thu, chi phí nguyên liệu chỉ khoảng chục nghìn đồng, nên nếu bán 50.000 đồng/cái là đã có lời rồi” – chị Trinh chia sẻ.
Bảng quảng cáo "mua 1 thành 4" đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại các điểm bán bánh trung thu ở TP Hồ Chí Minh những ngày qua.Ảnh:Tiểu Thúy
Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, đại diện một thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng cho biết, khi doanh nghiệp bán ra thị trường 1 cái bánh, phải tính tất cả chi phí đầu tư máy móc, cơ sở sản xuất, nguyên liệu, quảng cáo, chiết khấu cho đối tác, thuế phí, vận chuyển, lợi nhuận... nên giá cao cũng là điều dễ hiểu.
“Nguyên liệu đầu vào chỉ là một phần trong cấu thành của một chiếc bánh Trung thu chất lượng, còn rất nhiều chi phí khác như nghiên cứu sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất hàng năm, đào tạo nâng cao, hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng cáo truyền thông ,vận chuyển, phân phối… Hơn nữa, cả năm mới có một dịp, nên cũng không thể đem bài toán kinh doanh hàng hóa thường ngày áp cho thời vụ” – vị này nói.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, giá hàng cao cấp công bố của công ty là giá bán lẻ. Thực chất khi bán sỉ giá đó sẽ chiết khấu cho đại lý lên đến 35%. Tuy nhiên, vị này thừa nhận tình trạng "1 vốn 4 lời" là phổ biến trong ngành sản xuất bánh Trung thu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp