Thị trường

Bất chấp khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ cán mốc hàng tỷ USD

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, bất chấp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh Nga-Ucraina, xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản liên tiếp đạt kỷ lục và năm 2022 con số này sẽ vượt 50 tỷ USD.

Nông, lâm, thủy sản - Bệ đỡ cho nền kinh tế và an sinh xã hội / Xuất siêu nông, lâm, thủy sản 2 tháng tăng khoảng 87%

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn... Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến XK vượt 10 tỷ USD.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3%.

“Với tốc độ tăng trưởng này mục tiêu XK nông lâm thủy sản năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ 48-50 tỷ USD là hoàn toàn khả thi và dự báo sẽ vượt trên 50 tỷ USD”, ông Thắng cho biết.

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn dự báo năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ vượt 50 tỷ USD. (Ảnh: Hà Anh).

Cũng theo ông Thắng, giá của một số mặt hàng XK các tháng đầu năm 2022 cũng có xu hướng tăng hơn so với năm ngoái như: Phân bón các loại giá bình quân khoảng 616 USD/tấn, tăng 72,7%; hạt tiêu khoảng 4.372 USD/tấn, tăng 26,9%; cà phê khoảng 2.301 USD/tấn, tăng 20,6%.

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhấn mạnh hoạt động XK nông lâm thủy sản đang đứng trước nhiều cơ hội.

Chính phủ và các bộ ngành quan tâm tới ngành nông nghiệp, tích cực hoàn thiện chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển cho nông nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, nhu cầu thị trường thế giới về lương thực thực phẩm tăng do chiến tranh giữa Nga và Ucraina. Việt Nam chủ động ổn định sản xuất đáp ứng đủ nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu nông sản.

Việt Nam cũng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU và tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).

Việt Nam đang tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động XK nông lâm thủy sản Việt còn gặp một số thách thức. Dịch bệnh COVID-19 vẫn ảnh hưởng tới xuất khẩu các mặt hàng này bởi một số thị trường vẫn chưa mở cửa hoàn toàn như Trung Quốc.

“Xung đột Nga – Ukraina mang đến nhiều hệ quả như giá xăng dầu tăng… khiến giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận của nông dân. Lạm phát cao ở các quốc gia cũng khiến người tiêu dùng ở các quốc gia thắt chặt chi tiêu, trong đó có chi tiêu cho lương thực thực phẩm. Các nước tăng cường các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng nông sản như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU”, ông Thắng nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm