Bất động sản Hà Nam: Thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình “cuộc chơi”
Thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi tích cực / Thúc đẩy thị trường bất động sản: Báo chí cần tránh “giật tít”, “câu view”
Thông tin về thị trường bất động sản (BĐS), bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho hay, trong nửa đầu năm, Chính phủ, các bộ ngành cũng đang nỗ lực từng ngày nhằm đẩy nhanh thời gian có hiệu lực của các luật liên quan đến thị trường BĐS từ ngày 1/8.
Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó khăn do thiếu các nhân sự chủ chốt đủ quyền xem xét, phê duyệt các văn bản, hồ sơ liên quan đến các dự án BĐS.
Riêng tại Hà Nam, từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, đối với dự án FDI, tỉnh cấp mới 10 dự án với tổng vốn đăng ký 57,2 triệu USD. Thực hiện điều chỉnh 14 dự án với vốn đầu tư tăng 280,9 triệu USD. Đối với vốn trong nước, tỉnh cấp mới 19 dự án với tổng vốn đăng ký 2.795 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh 8 dự án với vốn đầu tư tăng 836 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm, tỉnh Hà Nam có 10 dự án BĐS mới được hình thành. Toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 43 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cơ bản hoàn thành. Trước năm 2023, nguồn cung nhà ở Hà Nam chủ yếu là các sản phẩm đất nền và một lượng nhỏ căn nhà ở thấp tầng từ các dự án quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp.
“Hà Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển BĐS như vị trí gần Thủ đô Hà Nội, mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, vốn đầu tư trong và ngoài nước gia tăng. Tuy nhiên, thị trường BĐS Hà Nam chưa "bật lên" được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng”, bà Miền cho biết.
Sở hữu nhiều lợi thế thu hút vốn FDI và phát triển công nghiệp như vị trí, giao thông thuận tiện và chính sách hỗ trợ đầu tư tốt, những năm gần đây, Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án BĐS với nhiều DN lớn như Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4...
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, Hà Nam là vùng đất “vàng”, còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh giá BĐS các tỉnh miền Bắc không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đây là thị trường tiềm năng cho dòng vốn đầu tư BĐS ven đô.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thị trường BĐS Hà Nam sẽ có tương lai sáng. Toàn bộ Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh và triển vọng của thị trường BĐS Hà Nam thể hiện ở chỗ, đây là một trong những tỉnh được ưu tiên đầu tư và phát triển.
Hà Nam là tỉnh có vai trò dẫn dắt, có đà và có thế để phát triển mạnh, bùng nổ về công nghiệp, du lịch. Bên cạnh đó, tuy quy mô dân số nhỏ nhưng Hà Nam cũng là địa phương đi đầu về đô thị hóa. Có đà phát triển mạnh mẽ trong số 4 tỉnh thành với tỷ lệ đô thị hóa ở mức khoảng 30,7% vào năm 2020.
“Đẳng cấp đô thị hóa của Hà Nam chưa cao, nhưng chúng ta có không gian đô thị tương đối tốt. Đồng nghĩa chúng ta có dư địa, đây là lợi thế cho các nhà đầu tư vào Hà Nam.
Hai đặc điểm đặc biệt quan trọng của Hà Nam là: kết nối phát triển du lịch với khu du lịch tâm linh Tam Chúc và thu hút được các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình “cuộc chơi” đô thị”, ông Thiên nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị, để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ định hướng quy hoạch 2021 – 2030 (Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao), Hà Nam cần thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở. Bao gồm cả phân khúc cao cấp, hạng sang.
Việc đầu tư phát triển các khu đô thị cao cấp sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ diện mạo khu vực và địa bàn cơ sở. Tạo nền tảng giúp thị trường BĐS Hà Nam bứt phá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo