Bị tố “quỵt” tiền của nhà đầu tư, công ty Vimedimex khẳng định 'làm đúng luật'
TP.HCM: Trao 1.000 sổ hồng cho 16 dự án nhà ở, vẫn còn tồn hơn 27.000 căn hộ bị "treo" sổ hồng nhiều năm / Dân đóng bao nhiều tiền sử dụng đất tại khu tái định cư sân bay Long Thành?
Mới đây, hàng chục nhà đầu tư tập trung căng băng rôn trước toà nhà Citilight Tower (45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) thực hiện đúng cam kết như hợp đồng đã ký.
Cụ thể, theo các nhà đầu tư, năm 2004, khi Công ty Xuất nhập khẩu Y tế II (tiền thân của Công ty Vimedimex) kêu gọi vốn đầu tư cùng góp vốn xây dựng tòa nhà Citilight, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại là 70% vốn góp của 68 nhà đầu tư cá nhân.
Cuối năm 2007, tòa nhà này bắt đầu đi vào hoạt động và khai thác với tổng diện tích sử dụng hơn 10.000m2, trong đó có khoảng 7.000m2 thuộc quyền sở hữu của 68 nhà đầu tư.
Tòa nhà Citilight Tower số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Từ năm 2007 đến 10/2019, các nhà đầu tư liên tục nhận được lợi ích từ việc cho thuê theo các hợp đồng cho thuê trên diện tích đầu tư khai thác cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp, tiền bảo hiểm tòa nhà, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc… theo diện tích được phân chia.
Thế nhưng, đến ngày 7/12/2019, Công ty Vimedimex bất ngờ gửi thông báo ngưng trả lợi tức cho các nhà đầu tư với lý do xem xét lại những bất cập của hợp đồng góp vốn đã ký từ năm 2014.
Bức xúc trước hành động này của Công ty Vimedimex, các nhà đầu tư đã nhiều yêu cầu phía Công ty đối chất để giải quyết vụ việc nhưng Công ty Vimedimex từ chối. Đây là lần thứ 5 các nhà đầu tư tập trung căng băng rôn trước toà nhà để phản đối hành động của Công ty Vimedimex.
Theo bà N.T.H, một nhà đầu tư cho biết, từ tháng 12/2019 phía Công ty Vimedimex ban hành văn bản về việc tạm dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư. Ngoài ra các văn phòng đã đến hạn hết hợp đồng cho công ty Vimedimex thuê, công ty Vimedimex cũng không trả lại cho các nhà đầu tư sử dụng.
Cũng theo bà Hiền, khu đất xây dựng Tòa nhà Citilight thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của các nhà đầu tư và Công ty Vimedimex. Nhưng giữa tháng 11/2016, Sở TN&MT TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CE 136048 cho Công ty Vimedimex. Sau đó, Công ty Vimedimex mang tài sản đi thế chấp tại một chi nhánh Ngân hàng nhưng không thông qua ý kiến của các cổ đông.
Các nhà đầu tư tập trung trước toà nhà Citilight Tower yêu cầu Công tyVimedimex trả tiền thuê văn phòng.
Một nhà đầu tư khác là bà P.T.P. bức xúc cho hay, lý do Công ty Vimedimex ra thông báo dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư là để rà soát lại việc góp vốn đầu tư xây dựng Tòa nhà Citilight. Sự việc này, Công ty Vimedimex đã gây thiệt hai cho các cổ đông hơn 20 tỷ đồng. Còn số tiền 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của tòa nhà, còn gọi là kết dư đã bị Công ty Vimedimex chiếm dụng, chuyển khỏi tài khoản của tòa nhà mà không hỏi ý kiến của cổ đông.
Các nhà đầu tư cho biết thêm, dù đã khởi kiện Công ty Vimedimex tại Toà án nhân dân Quận 1 về việc “tranh chấp hợp đồng thuê tài sản”. Tuy nhiên, tòa triệu tập các bên để xét xử (ngày 10/6/2020) nhưng bên phía Công ty Vimedimex vắng mặt không có lý do.
Về vấn đề này, phía Công ty Vimedimex khẳng định, đơn vị luôn 'làm đúng quy định của pháp luật'.
Theo lãnh đạo Công ty Vimedimex, mặc dù bảo vệ của công ty đã đề nghị các cá nhân này chấm dứt việc căng băng rôn phản đối để đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực và an toàn cho người làm việc tại đây. Thế nhưng, các cá nhân này không hợp tác.
Các vấn đề liên quan đến toà nhà đã được đơn vị thông báo công khai, minh bạch, cụ thể qua thông cáo báo chí vào tháng 2 và tháng 4 năm 2020, cũng như qua các văn bản trao đổi và các buổi làm việc cụ thể trên thực tế.
Phía Công ty Vimedimex cho rằng, tại hợp đồng đang ký kết giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư có nhiều yếu tố không đảm bảo hiệu lực của pháp luật.
Ngoài ra, tại hợp đồng góp vốn, hợp đồng cho thuê đang ký kết giữa Công ty Vimedimex và các chủ thể góp vốn (nhà đầu tư - PV) có nhiều yếu tố không đảm bảo hiệu lực của pháp luật. Theo đó, một số nhà đầu tư không góp vốn hoặc góp vốn chưa đủ vẫn nhận tiền chia lợi tức. Không chỉ thế, số vốn các cổ đông đóng góp là 50% nhưng lại nhận tới 70% theo lợi nhuận, cao hơn theo phần góp vốn ban đầu, điều này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo đại diện Công ty Vimedimex, hiện nay hoạt động kiểm toán các vấn đề tại toà nhà đang được triển khai hoàn toàn theo đúng quy định của pháp luật. Vị này cũng khẳng định, các vấn đề vướng mắc tại toà nhà hiện đang được giải quyết, tháo gỡ, hoàn toàn theo quy định của pháp luật. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, minh bạch giữa các bên. Các chủ thể góp vốn đã tự nguyện và tin tưởng uỷ quyền cho các cá nhân đại diện chủ động và công khai tham gia kiểm toán, giám sát các hoạt động kiểm toán tại toà nhà.
Trước sự phản đối của các nhà đầu tư, doanh nghiệp này cho biết đang hoàn tất các thủ tục hồ sơ để đưa vụ việc ra Toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết đúng pháp luật cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
Được biết, dự án Tòa nhà văn phòng Citilight Tower do Công ty Xuất nhập khẩu Y tế II (nay là Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex) làm chủ đầu tư với 30% vốn của Công ty và 70% vốn của 68 nhà đầu tư bên ngoài từ năm 2003.
Tòa nhà được đưa vào hoạt động khai thác từ năm 2007, với sự đồng ý bằng hợp đồng ủy quyền khai thác tòa nhà của các nhà đầu tư cho Công ty Vimedimex. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất cổ phần hóa, Vimedimex đột ngột thông báo dừng hoạt động trả lợi tức như hợp đồng đã ký kết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo