Bất động sản

HoREA kiến nghị không nên siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

DNVN - HoREA đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Việc này nhằm tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản vì khối doanh nghiệp địa ốc cũng như nhiều ngành nghề khác đang gặp những khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid-19.

TP.HCM: 130 dự án nhà ở ách tắc do Sở Quy hoạch Kiến trúc "không dám" nhận hồ sơ / Bộ Công an vào cuộc làm rõ Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn..."Khổng lồ"

Không nên siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành nhằm đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, trong đó có đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho rằng hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các kênh huy động vốn bổ sung để doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn triển khai dự án.

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các kênh huy động vốn bổ sung để doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn triển khai dự án.

Hiện nay, đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, trong đó có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong số đó có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới ba lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3%, đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.

Bước sang quý 1/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 20.474 tỉ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.

“Do đó, Hiệp hội đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc này nhằm tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản vì khối doanh nghiệp bất động sản cũng như nhiều ngành nghề khác đang gặp những khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid-19”, ông Châu cho biết.

 

Đồng thời, Chủ tịch HoREA cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Việc sửa đổi không chỉ để minh bạch lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn để thị trường này trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, việc sửa đổi cũng đảm bảo quyền và lợi ích của các nhà đầu tư trái phiếu”, Chủ tịch HoREA trình bày.

Thực tế cho thấy, kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu được các doanh nghiệp bất động sản triển khai do khát vốn. Nhất là từ năm 2019 khi Ngân hàng Nhà nước giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 45% xuống còn 40% và sẽ tiếp tục giảm dần xuống mức 30% trong những năm tới. Từ đó, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kênh huy động vốn bổ sung để có thêm nguồn vốn triển khai dự án.

Cần giãn nộp tiền sử dụng đất dự án

Thời gian qua, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đã khiến thị trường bất động sản gần như đóng băng, các doanh nghiệp và người mua nhà gặp nhiều khó khăn tài chính.

 

Vì vậy, HoREA đã đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án thêm 5 tháng đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phát sinh trong tháng 3 đến tháng 6/2020, giãn 12 tháng nộp tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình.

“Nghị định 41/2020/NĐ-CP về "Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất" chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệpphải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này là vô cùng khó khăn”, Chủ tịch HoREA cho hay.

Theo đánh giá, trong bối cảnh hiện nay cần các chính sách hỗ trợ trong đó gười mua nhà cần được giãn tiến độ trả nợ vay ngân hàng trong dịch Covid-19.

Theo đánh giá, trong bối cảnh hiện nay cần các chính sách hỗ trợ trong đó gười mua nhà cần được giãn tiến độ trả nợ vay ngân hàng trong dịch Covid-19.

Theo HoREA, Chính phủ nên sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thi hành Luật Đất đai”, khắc phục một số vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay trong lĩnh vực đất đai như bổ sung quy định giao đất cho chủ đầu tư, đối với các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm rải rác, xen cài trong dự án sản xuất kinh doanh.

 

Theo HoREA, trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay đã có một số doanh nghiệp bất động sản giãn tiến độ thu tiền mua nhà, thuê nhà.

“Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.

Trong tình thế khó khăn hiện nay, đã có những tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản, điển hình như Vingroup, Hưng Thịnh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tăng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong một thời gian… Cũng có các doanh nghiệp hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng đến khi bàn giao nhà”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm