Bất động sản

Kỳ vọng thị trường nhà ở được 'gỡ khó' vào cuối năm 2024, đầu 2025

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, các luật mới liên quan đến bất động sản, nhà ở vừa có hiệu lực nên cần độ trễ để thẩm thấu. Kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ được gỡ khó vào thời điểm cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Phân khúc nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo 2 thái cực đối lập / Dự án nhà ở thương mại không có “đất ở” vẫn phải tiếp tục “chờ”

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), 9 tháng đầu năm 2024 thị trường bất động sản bắt đầu cho thấy tín hiệu khá tích cực. Các dự án bất động sản trước đây còn e ngại chưa đưa ra thị trường thì giai đoạn này đã bắt đầu đẩy vào thị trường, làm tăng nguồn cung.

Tuy nhiên, thị trường nhà ở hiện nay cho thấy nguồn cung yếu, chất lượng chưa tốt. Các sản phẩm thuộc phân khúc thấp, phân khúc bình dân gần như như thấy xuất hiện trên thị trường. Nhà ở xã hội được Chính phủ tạo nhiều cơ chế thúc đẩy nhưng sản phẩm đạt yêu cầu để ra thị trường chưa nhiều.

“Chúng tôi cho rằng đây là thời kỳ mà Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 mới có hiệu lực. Luật mới luôn có độ trễ, sự thẩm thấu của luật cần có thời gian cho nên việc giải quyết trực diện vào khó khăn vướng mắc của thế chế, đặc biệt là thể chế cho phát triển nhà ở xã hội phải đợi thêm một thời gian.

Tôi hy vọng giai đoạn cuối năm 2024 và đầu sang năm 2025 nhiều dự án sẽ được tháo gỡ khó khăn, khi đó nguồn cung sẽ tăng lên”, ông Đính nói.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, cần đẩy nhanh việc thực thi khung khổ pháp lý mới về thị trường nhà ở.

Chủ tịch VARS bày tỏ sự e ngại nguồn cung trên thị trường nhà ở phân khúc thấp (trung cấp và bình dân) nếu không có sự vào cuộc tích cực hơn từ chính quyền địa phương thì sẽ khó có cơ chế thúc đẩy kích thích. Nếu vậy nguồn cung của phân khúc này vẫn tiếp tục thiếu trên thị trường.

“Đây không phải dấu hiệu tốt cho thị trường nhà ở, khi thị trường có sự phân cực lớn giữ hai nhóm là sản phẩm nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội dù được Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy nhưng lại đang khó xuất hiện, dẫn đến sự thiếu hụt, mất cân đối trên thị trường”, ông Đính nhấn mạnh.

Chủ tịch VARS khuyến nghị chính sách điều tiết thị trường thời gian tới cần thúc đẩy phân khúc bình dân nhiều hơn. Những bất ổn trên thị trường nhà ở như giá tăng cao đối với phân khúc bình dân thời gian qua là do cung rất yếu, cầu mạnh. Khi cung cải thiện, tăng lên giúp cân bằng thị trường, giá được điều tiết hợp lý hơn.

“Cần điều tiết thị trường theo hướng thiếu cung thì tăng cung, thiếu sản phẩm phân khúc nào thì tăng phân khúc đó. Việc thực thi khung khổ pháp lý mới, phổ biến các quy định mới cũng cần đẩy nhanh”, ông Đính khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm