Nguồn cung bất động sản “rớt hạng” nghiêm trọng vì dịch Covid-19
TP.HCM: Sớm thảo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc / Bộ Công an vào cuộc làm rõ Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn..."Khổng lồ"
Nguồn cung các phân khúc “rớt hạng” vì Covid-19
Báo cáo mới đây về thị trường bất động sản (BĐS) của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cho thấy, phân khúc đất nền trong quý 1/2020 tại TP.HCM chỉ có 3 dự án ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so với nguồn cung mới của quý trước (khoảng 677 nền) và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là quý có nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Các dự án mới đa phần tập trung ở Quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè,… Việc khan hiếm nguồn cung mới trong 3 tháng đầu năm đã khiến thị trường không có nhiều diễn biến tích cực, giao dịch thứ cấp giảm mạnh và mức giá thứ cấp cũng có dấu hiệu giảm.
Quan sát tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM trong quý 1/2020, DKRA Việt Nam nhận định, ngoại trừ thị trường BĐS Bình Dương do Thuận An và Dĩ An được nâng cấp lên thành phố thì nguồn cung mới và sức cầu ở các khu vực như Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đều giảm đáng kể so với quý trước.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn cung ở mọi phân khúc đều "rớt hạng".
Tại phân khúc căn hộ, thị trường TP.HCM ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay khi chỉ có 7 dự án được mở bán trong quý 1 với 1,547 căn hộ (giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019).
Còn phân khúc nhà phố và biệt thự, DKRA Việt Nam thống kê, chỉ hơn 700 căn được cung ứng ra toàn thị trường (giảm 9% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ trong quý đạt 50% nguồn cung mới (khoảng 359 căn), tăng nhẹ so với quý trước và tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu vào những dự án mới mở bán trong 2 tháng đầu năm với mức giá khoảng 15 tỷ đồng/căn có vị trí đẹp và tiến độ xây dựng tích cực.
“Giá bán không có nhiều biến động, giao dịch thứ cấp kém sôi động và có dấu hiệu giảm nhẹ so với quý trước, do đó tính thanh khoản của thị trường hiện nay khá thấp”, DKRA Việt Nam nhận định.
Riêng phân ở khúc BĐS nghỉ dưỡng - biệt thự biển, thống kê cho thấy, thị trường biệt thự biển trong 3 tháng đầu năm chỉ có 16 căn được tung ra (bằng 3% so với quý trước và bằng 8.5% so với cùng kỳ năm 2019). Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 4 căn, chỉ bằng 1.6% so với quý trước.
Thị trường tiếp tục trầm lắng ở lĩnh vực Condotel, cụ thể trong quý 1 chỉ ghi nhận 1 dự án mới được mở bán vào thời điểm trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2020), cung ứng ra thị trường 82 căn condotel (bằng 3.9% so với quý trước và bằng 4.7% so với cùng kỳ năm 2019). Tỷ lệ tiêu thụ chỉ có 25 căn, đạt 30%.
Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc ĐKRA Việt Nam cho biết:"Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên các chủ đầu tư không tổ chức hoạt động truyền thông, bán hàng. Vì vậy nguồn cung sơ cấp khiêm tốn trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ những dự án đã được mở bán trước đó. Hầu hết những dự án này có tình hình tiêu thụ khá chậm. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ cuối năm 2019 và duy trì ở mức rất thấp".
BĐS tiếp tục đối mặt với kịch bản màu xám
Theo nhận định của Tổng Giám đốc ĐKRA Việt Nam, trước tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế và đời sống sẽ khiến sức cầu chung của thị trường tiếp tục suy giảm và tâm lý của các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi đầu tư tất cả các phân khúc trong thời gian tới.
“Trong quý 2 và có thể đến cả quý 3, thị trường BĐS TP.HCM nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung lẫn sức cầu. Với những dự án có nguồn cung mới, tình hình giao dịch có thể sẽ biến động phụ thuộc vào sức cầu và diễn biến của thị trường”, ông Lâm cho hay.
Nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới thì thị trường BĐS sẽ còn "ngủ đông".
Cũng chung nhận định trên, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản quý 1/2020 đã chứng kiến hiện tượng “ngủ đông” của hầu hết các hoạt động.
Nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, gặp gỡ, tụ tập đông người; cũng như việc tạm ngưng cấp visa đối với toàn bộ người nước ngoài vào Việt Nam,… là nguyên nhân khiến thị trường 3 tháng đầu năm rơi vào tình cảnh này.
Hơn nữa, các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án bất động sản chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại các địa phương khiến nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường tiếp tục khan hiếm.
Cùng với đó, việc thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay của Ngân hàng Nhà nước đối với các dự án BĐS cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản,... khiến thị trường càng thêm ảm đạm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong 3 tháng tới đây, thị trường căn hộ vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn giao dịch sẽ chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu thực của người dân vẫn ở mức cao.
Nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn sẽ không như trước đây, kịch bản hiếm hàng mới tiếp tục kéo dài. Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.
Về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng trong thời gian tới có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” bởi đây vẫn là giai đoạn chưa kết thúc các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nếu đến tháng 5 và tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ thức tỉnh và có sự khởi động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo