TP.HCM: Sớm thảo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc
Bình Dương: Dự án Phương Trường An 'lách luật' huy động vốn trái phép? / Chậm giao nhà, chủ đầu tư dự án Park Vista hứa rồi... để đấy
Theo đó, sau Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới đây, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở-ngành liên quan sớm đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, đối với các vướng mắc liên quan đến sự bất cập, xung đột giữa các quy định trong quy trình thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, UBND thành phố sẽ kiến nghị Trung ương tháo gỡ.
Đối với các vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệpbất động sản còn hồ sơ đang tồn đọng, chưa xem xét giải quyết tại các sở, ngành có liên quan, Sở Xây dựng được giao phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại từng nhóm vướng mắc để giải quyết từng trường hợp.
TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc.
Đồng thời, đối với các công trình, dự án trọng điểm đăng ký phong trào thi đua năm 2020 và phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp của khối đô thị, UBND thành phố sẽ xem xét duyệt từng nội dung.
Trước đó, tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản năm 2020, lãnh đạo TP.HCM cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng "bơm" thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chưa kể có nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, triển khai quá chậm; nguyên nhân là do sự phối hợp của các sở ngành chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM vô cùng khó khăn.
Đơn cử, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, trong quá trình phát triển dự án những năm gần đây, Tập đoàn gặp những khó khăn vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Chẳng hạn như với dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh (quận 2, TP.HCM), các bộ ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với dự án xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm… Đơn vị chủ động xin được đề xuất với các bộ ngành trung ương, TP.HCM 2 phương án để thực hiện.
Phương án 1, được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10; đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá. Phương án 2, được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Dự án Khu dân cư 30,2 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2 (The Water Bay) của Tập đoàn Novaland.
Lãnh đạo Tập đoàn Novaland mong muốn lãnh đạo thành phố, các bộ ngành, Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại, cho phép Novaland được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân; qua đó nâng cao đời sống an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ khó khăn khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dự án có quy mô hơn 2.100 căn hộ. Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành bởi các sở ban ngành chưa tìm ra hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án. Cụ thể, khu vực Công ty Lê Thành xin lập dự án được quy hoạch chức năng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng và mật độ xây dựng 30%. Tuy nhiên hệ số sử dụng đất chỉ cho 2 nên chủ đầu tư không làm được….
Hay trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long về việc đang gặp khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng. Trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) từ năm 2004 để thực hiện Dự án Dragon City, doanh nghiệp đã thanh toán và được cấp "sổ đỏ" nhưng một số hộ dân không chịu di dời.
Còn Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam (phường Phước Bình, quận 9) đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất để thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho người mua.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Chính điều này đã khiến hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Trong đó, hàng trăm dự án đang ách tắc thủ tục.
Từ những tồn tại đó, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ khó khăn về quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo