Nhiều bất cập trong kinh doanh lưu trú tại điểm du lịch canh nông tại Lâm Đồng
Bà Rịa - Vũng Tàu: Mạnh tay xử lý nạn phân lô bán nền trái phép / Long An: Chủ đầu tư dự án KDC Rồng Vàng huy động vốn khi chưa đủ điều kiện
Sau một thời gian tạm dừng phát triển loại hình du lịch canh nông do phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng cơ sở lưu trú trên đất nông nghiệp, tạo ra giá trị bất động sản ảo, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn.
Trước đó, sau thời gian thí điểm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho tạm dừng phát triển du lịch canh nông. Nguyên nhân là do một số điểm du lịch canh nông có diện tích quá nhỏ, manh mún, không đủ điều kiện hạ tầng, khiến du khách phàn nàn, ảnh hưởng đến ngành du lịch. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân xây dựng những công trình lớn không phép; manh nha xây dựng các cơ sở lưu trú trên đất nông nghiệp, tạo ra giá trị bất động sản ảo...
Điển hình là vụ xây “chui” hàng loạt hạng mục (2 khối nhà quy mô hàng chục phòng lưu trú, mê cung, cổng trời, cầu nổi trên vườn hoa, nhà quản lý điều hành, quán cà phê giải khát, phòng bán vé, bãi đậu xe, hàng rào, cổng bảo vệ, giếng khoan, hồ cảnh quan...) với diện tích lên đến 3.547 m2 tại Vườn Thượng uyển bay (Phường 10, Đà Lạt). Trong khi đó, theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, tổng diện tích các công trình xây dựng tại dự án trên chỉ có vài trăm m2. UBND TP. Đà Lạt đã xử phạt và giải tỏa công trình không phép đồ sộ này.
Điểm du lịch canh nông Vườn Thượng Uyển Bay (TP Đà Lạt) vi phạm các quy định xây dựng bị phát hiện và xử lý giữa năm 2020.
Mặc dù du lịch canh nông góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập của người dân, tạo thương hiệu tốt cho Đà Lạt, nhưng việc nhiều cá nhân, tổ chức vẫn “lách luật”, xây dựng sai phép hàng loạt công trình, do đó việc ban hành quy chế là cần thiết, tránh tình trạng “xé rào”, vi phạm các quy định của pháp luật như thời gian qua.
Theo quy chế này, các tổ chức khi sử dụng đất vào mục đích xây dựng công trình du lịch tại điểm du lịch canh nông cần phải lập dự án đầu tư theo quy định. Điểm du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000m2 (đối với địa bàn thành phố Đà Lạt) và 10.000m2 trở lên (đối với các huyện và thành phố Bảo Lộc).
Theo quy định này, tuyệt đối không được đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại chỗ. Các tổ chức khi sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình du lịch tại điểm du lịch canh nông cần phải lập dự án đầu tư theo quy định; phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để đầu tư, kinh doanh du lịch canh nông.
Điểm du lịch canh nông phải có không gian thoáng mát, xanh, sạch, đẹp; khu vực để xe, khu vực dành riêng cho khách trải nghiệm, khu vực đón tiếp, trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu vực canh tác, chế biến nông sản phục vụ khách tham quan; nhân viên thuyết minh đã được qua đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch…
Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt từ nhiều năm trước.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 33 điểm du lịch canh nông được công nhận với diện tích triển khai hơn 300ha, tổng vốn đầu từ gần 400 tỷ đồng.
Sau một thời gian triển khai, mô hình du lịch canh nông đã trở thành dịch vụ ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch canh nông thu hút khoảng 6 triệu lượt du khách đến tham quan, với tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng đạt khoảng 1,97 triệu lượt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm thiếu các hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương nên phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện mô hình du lịch canh nông; một số quy định trong Bộ tiêu chí đã ban hành không còn phù hợp với quy định hiện hành, nhất là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình phụ trợ kèm theo phục vụ các khu khu du lịch canh nông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo