Bất động sản

TP.HCM: Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng sai mục đích

DNVN - Nhằm thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND TP.HCM đã yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ hết thời gian sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, đối tượng… Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra, sắp xếp lại nhà/đất công, tài sản công, xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng tài sản công chưa đúng quy định.

Quảng Bình: Chi hơn 26 tỷ đồng để phục hồi rừng ven biển / Hoa hậu Đỗ Thị Hà đồng hành các sự kiện du lịch, văn hóa tỉnh Thanh Hóa

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký quyết định ban hành Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Theo đó, trong quản lý, sử dụng tài sản công, UBND TP.HCM yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Kiên quyết thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, tránh việc để trống các khu đất công, nhất là khu có giá trị cao.

Hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Xác định công năng sử dụng tài sản để trang bị cho đối tượng dùng chung, tránh lãng phí việc trang bị, mua sắm tài sản, để dành nguồn lực khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khi hậu, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội.

TP.HCM sẽ cắt 100% lễ động thổ công trình xây dựng cơ bản, thu hồi 100% nhà công vụ sai mục đích. (Ảnh: Trụ sở UBND TP.HCM)

TP.HCM sẽ cắt 100% lễ động thổ công trình xây dựng cơ bản, thu hồi 100% nhà công vụ sai mục đích. (Ảnh: Trụ sở UBND TP.HCM)

Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra, sắp xếp lại nhà/đất công, tài sản công, xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng tài sản công chưa đúng quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng yêu cầu tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng của quốc gia.

Các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh việc khoán chi hành chính, phấn đấu tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhằm tạo nguồn cải cách tiền lương. Sở Công thương có trách nhiệm triển khai việc tiết kiệm điện đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức để giảm mức tổn thất điện cả năm xuống còn 6,5%.

Các doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước phải thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; đăng ký thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5% trở lên so với kế hoạch, tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới...

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn tài chính được giao; công khai mua sắm, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại và các tài sản khác trong cơ quan để tiện cho việc giám sát.

Về nhân sự, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị bảo đảm mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách Nhà nước so với năm 2015.

UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện, doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Sở Tài chính trước 31/1/2022.

Hoa Tiêu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm