Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản
Bình Dương: Cảnh báo tình trạng phân lô, bán nền dự án kiểu Alibaba / Nhiều khoản vay tín dụng của doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ thành nợ xấu
Theo Bộ Xây dựng, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Trong đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.
Cụ thể, tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với nguồn vốn FDI thì trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).
Số liệu cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng dần theo quý từ 0,264 tỷ USD lên 2,35 tỷ USD. Như vậy, trong quý 3/2020 mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của Covid đợt 2 và tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý 2/2020. Đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.
Vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh.
Về tình hình tồn kho bất động sản, theo Bộ Xây dựng, qua theo dõi tình hình thị trường bất động sản cũng như tổng hợp số liệu hàng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán và lượng hấp thụ các sản phẩm bất động sản mới trên tỷ lệ lượng cung sản phẩm bất động sản ra 2 thị trường bất động sản lớn (Hà Nội và TP.HCM) từ báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, giá trị hàng tồn kho bất động sản đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho bất động sản trong năm 2020 tính từ quý 1 đến quý 3/2020 đang giảm dần.Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư,…được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội,…
Chia sẻ với báo giới, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, đến nay có nhiều dòng vốn khác nhau đổ vào bất động sản, bao gồm: Vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, vốn phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.Riêng kênh tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản vẫn tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây, khoảng 7 - 8%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 13 - 14%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, tín dụng bất động sản vẫn tăng khoảng 2% so với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 6,1%, có nghĩa là không hoàn toàn đóng băng mà đang có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có nhiều khó khăn, cùng với việc thiếu phương án kinh doanh khả thi nên khó đáp ứng điều kiện tín dụng, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì rủi ro cho cả hai bên. Tuy nhiên, phân khúc cho vay bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở vẫn đang tăng trưởng rất tốt.
Hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản của toàn bộ nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, 63% là cho vay bất động sản nhà ở, còn lại là cho vay kinh doanh bất động sản. Rõ ràng quy mô này không hề nhỏ, tuy nhiên,TS. Cấn Văn Lực cho rằng còn nhiều dư địa phát triển, bao gồm cả phát hành trái phiếu bất động sản và thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Ông Lực nhận định: “Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá, dòng vốn FDI (kể cả đầu tư vào bất động sản) cũng sẽ hồi phục khá trong những năm tới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo