Bí kíp nuôi chim bồ câu Pháp cho thu nhập cao
Bình Phước: Tín hiệu tích cực trước nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp / Ngành chế biến gỗ tăng trưởng 18%/năm, xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới: Vẫn đang đối mặt với thách thức lớn
Đứng dậy từ thất bại
Ông Huỳnh Văn Lam sống tại vùng quê nghèo ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) gia đình làm ruộng, chăn nuôi con heo, con gà… nên cuộc sống bấp bênh. Năm 1986, ông Lam rời quân ngũ về công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm Nghĩa Bình ở TP Quy Nhơn, lấy vợ rồi định cư ở quê vợ Quy Nhơn. Tuy nhiên cuộc sống khó khăn, nếu cứ nhìn vào đồng lương ba cọc, ba đồng thì gia đình chẳng khá lên, ông Lam trăn trở tìm hướng thoát nghèo.
Năm 2004, sau khi học hỏi kỹ thuật từ sách báo, tư vấn và động viên của Hội Nông dân phường Nhơn Phú, ông Lam bắt tay vào nuôi chim bồ câu Pháp. Ban đầu, ông Lam mua 60 cặp bồ câu Pháp thuần chủng về nuôi. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp ông đã thành công ngay từ lứa nuôi đầu tiên, tự tin mở rộng mô hình kinh tế của gia đình.
Tuy nhiên năm 2005, trên địa bàn TP Quy Nhơn bùng phát dịch cúm gia cầm, dù đàn chim của ông không bị lây dịch nhưng do ảnh hưởng nằm trong nhóm gia cầm, nên gần như ông trắng tay vì tắc đầu ra. Không bỏ cuộc, ông Lam quyết định trở về quê hương Hoài Ân nhằm thoát vùng dịch tiếp tục sự nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp.
Sau 8 năm gầy dựng lại, số lượng đàn chim lên đến 1.000 cặp, xuất bán khắp thị trường Nam - Bắc. “Lúc đó, số lượng chim nhiều nhưng hiệu quả lại không cao vì mình nuôi theo kiểu để chim sống “bầy đàn” không kiểm soát được cặp nào giống tốt, giống xấu nên tỷ lệ chim sinh sản thành công đạt kém”, ông Lam chia sẻ.
Lý giải về điều này, ông Lam ví von: “Nuôi chim bồ câu Pháp thì con cồ (chim trống) quyết định hoàn toàn sự thành bại. Những con chim cồ hiền lành thì rất chu đáo, chúng thay chim mái ấp trứng, khi trứng nở nó cũng thay chim mái cho con ăn. Còn gặp con cồ “hư hỏng” tựa như gặp người đàn ông thường say xỉn về quậy phá vợ con, nếu ấp trứng cũng đạp vỡ trứng, lười cho chim con ăn. Nếu nuôi chung kiểu này thì 10 cặp thì mỗi tháng xuất bán chỉ cao nhất được 5 cặp chim thịt, tính ra lời không là bao”.
Mô hình nuôi bồ câu Pháp nhốt riêng từng cặp đang là hướng đi đúng của vợ chồng ông Lam và bà Oanh
Cải tiến kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp
Sau hơn 10 năm nuôi bồ câu Pháp, thành công có mà thất bại cũng nhiều nhưng ông Lam không hề nản chí. Qua mỗi lần vấp ngã ông lại rút ra bài học xương máu rồi tự mày mò nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Quay trở lại định cư ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), tiếp tục theo đuổi nghiệp nghề nuôi bồ câu Pháp, ông Lam phát hiện ra điểm yếu khi nuôi chim để chúng sống tập thể nên ông nghĩ cách nuôi riêng từng cặp.
Ông bỏ vốn làm chuồng bằng sắt vì làm chuồng bằng tre sử dụng không bao lâu sẽ hư phải sửa lại ảnh hưởng đến con bồ câu sinh sản. Theo đó, mỗi chuồng dài 1,6m chia thành 4 ô nuôi 4 cặp chim. Khung chuồng được làm bằng sắt 6, đáy chuồng làm bằng kẽm dày 3-4 ly để không bị sét do phân chim thải ra, xung quanh bao lưới nhựa. Mỗi ô nhỏ chia 2 ngăn, ngăn trên cho đẻ và ấp trứng, ngăn dưới nuôi chim con. Chi phí làm mỗi chuồng 4 cặp chim ở tốn khoảng 400.000 đồng. Cứ thế nối dài lồng và làm lồng cao theo số lượng nuôi nhiều hay ít.
Theo ông Lam, việc nuôi tách riêng từng cặp để dễ kiểm tra, phát hiện trứng bị chim bố mẹ đạp vỡ hay chim con bị dậm chết để ghép lại cặp mới. Điều quan trọng là phát hiện con chim cồ nào quậy phá để thay con cồ khác. “Giống bồ câu rất đặc biệt. Lúc mới thay con cồ mới, con mái sợ nhưng vài hôm làm quen chúng có những cử chỉ “âu yếm” rồi mới chịu sống chung và sinh sản. Với cách này, trứng đẻ ra ít bị vỡ, chim non ít bị chết. Nếu trước đây 10 cặp chim mỗi tháng chỉ xuất bán 5 cặp thì theo cách này bán được 8-9 cặp”, ông Lam cho biết.
Sau 2 năm chuyển nghề nuôi bồ câu Pháp từ quê Hoài Ân về TP Quy Nhơn, hiện nay ông đã gầy dựng được 300 cặp. Hiện mỗi tháng, ông Lam bán được 250 cặp chim thịt. Với giá chim thịt hiện nay là 70.000 đồng/cặp, chim giống là 180.000 đồng/cặp, ông Lam nhẩm tính, mỗi tháng riêng chim thịt thu được khoảng 18 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh, thuốc bổ thì còn lãi ròng trên 9 triệu mỗi tháng, chưa tính bán chim giống giá cao hơn.
Theo ông Lam, nuôi chim bồ câu Pháp rất an toàn vì chúng ít dịch bệnh, hơn nữa nuôi nhốt riêng khi có dịch bệnh cũng dễ xử lý. Trong khi đó, hiện đầu ra của chim thịt khá ổn định. “Trước đây nuôi cả ngàn cặp tôi mới cần bán đi xa, giờ mới gầy được 300 cặp chỉ đủ bán chim thịt cho 1 bạn hàng quen ở Quy Nhơn để họ cung ứng vào Sài Gòn tiêu thụ. Hiện tôi đang làm thêm chuồng để tăng đàn lên 1.000 cặp như trước”, ông Lam chia sẻ.
Với mô hình nuôi bồ câu Pháp đem lại thu nhập cao và ổn định, ông Huỳnh Văn Lam trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của phường Nhơn Phú. Đặc biệt, vừa qua ông Lam còn vinh dự nhận Bằng khen đạt giải Nhì với giải pháp: “Cải tiến kỹ thuật nuôi chim Bồ Câu Pháp lấy thịt đạt hiệu quả kinh tế cao” do Hội Nông dân tỉnh Bình Định trao tặng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo