Thị trường

Biến sự chậm rãi của tàu hoả thành sản phẩm du lịch

DNVN - Du lịch bằng tàu hỏa mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước từ một góc nhìn khác biệt, chậm rãi, thư thái. Ngành đường sắt đang biến nhược điểm “chậm” thành ưu điểm để tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Bình Định: Nhiều doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo / Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Bình Định hội đủ tiềm năng, lợi thế nổi trội và khác biệt

Biến nhược điểm thành ưu điểm

Chia sẻ về tiềm năng và giải pháp đẩy mạnh khai thác khách du lịch bằng đường tàu hỏa tại hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức tại Quy Nhơn, ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt cho biết, đường sắt từ lâu đã là một phần không thể thiếu của hệ thống giao thông quốc gia.

Với những ưu điểm vượt trội về an toàn, ổn định và khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa với số lượng lớn, đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, đường sắt mang đến những trải nghiệm độc đáo mà các phương tiện khác khó có thể sánh được.

Ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt, chia sẻ tại hội thảo.

Ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt, chia sẻ tại hội thảo.

“Du lịch bằng tàu hỏa mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước từ một góc nhìn khác biệt, chậm rãi, thư thái. Du khách có thể ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh mướt, những dãy núi hùng vĩ, những bờ biển trải dài, những thành phố sầm uất và những làng quê yên bình”, ông Hà Trọng Thắng chia sẻ.

Đại diện ngành vận tải đường sắt cũng cho biết, năm 2025, toàn ngành xác định phải “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách làm, biến nhược điểm thành ưu điểm để tạo ra các sản phẩm mới”. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt.

Tiếp nối các chuyến tàu du lịch “Hành trình đêm Đà Lạt”, đoàn tàu “Lareiner Đà Lạt – Trại Mát”, đoàn tàu “Kết nối di sản Miền trung” Huế - Đà Nẵng, Food tour Hải Phòng bằng tàu hỏa trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, chạy thử nghiệm đoàn tàu du lịch hạng sang Sjourney… sắp tới công ty sẽ tổ chức khai trương đoàn tàu chất lượng cao “Hoa phượng đỏ” tuyến Hà Nội - Hải Phòng để chào mừng 70 năm Ngày giải phóng TP Hải Phòng…

Riêng tại Bình Định, tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì dài 10km là tuyến đường nhánh, hàng ngày chỉ tổ chức chạy một đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn – Quy Nhơn). Do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa, rất phù hợp với tổ chức khai thác tàu du lịch.

Ông Hà Trọng Thắng gợi mở, tỉnh Bình Định và các đơn vị lữ hành nên nghiên cứu phương án tổ chức chạy hàng ngày từ 2 - 3 đôi tàu du lịch giữa Quy Nhơn đến Diêu Trì, dọc đường có các điểm tàu chạy chậm và dừng dọc đường để khách checkin, chụp ảnh. Đưa các sản phẩm OCOP của địa phương giới thiệu và bán trên các đoàn tàu của.

Về lâu dài, ngành đường sắt sẵn sàng cung cấp toa xe hiện đang vận dụng chạy tàu trên tuyến đường sắt quốc gia để các đơn vị lữ hành thiết kế, cải tạo nội thất cho phù hợp với nhu cầu của khách du lịch và định hướng của doanh nghiệp du lịch.

Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định ra tận ga Diêu Trì để chào đón đoàn du khách du lịch bằng tàu hoả đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định ra ga Diêu Trì từ lúc rạng sáng để chào đón đoàn khách du lịch bằng tàu hoả đến tham quan, nghỉ dưỡng.

“Việc khai thác hiệu quả du lịch bằng đường sắt không chỉ giúp Bình Định đón thêm nhiều du khách mà còn tạo động lực phát triển cho kinh tế địa phương. Tôi tin rằng, với sự hợp tác chặt chẽ này, Bình Định sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn trong thời gian tới. Góp phần đạt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm 2025”, ông Hà Trọng Thắng nhấn mạnh.

Bình Định có nhiều lợi thế phát triển du lịch đường sắt

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đánh giá, Bình Định là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sắt nhờ vào vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều điểm du lịch hấp dẫn.

ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam,

Ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo.

Theo ông Siêu, Bình Định có ga Diêu Trì – một trong những ga lớn nhất khu vực miền Trung, đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường sắt. Ga Quy Nhơn là một nhánh của tuyến đường sắt, thuận tiện cho du khách di chuyển vào trung tâm thành phố và đến các điểm du lịch ven biển.

“Đường sắt đi qua khu vực gần biển là cơ sở để khai thác các chuyến tàu ngắm cảnh ven biển, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Những bãi biển tuyệt đẹp có thể kết nối với ga tàu thông qua hệ thống xe trung chuyển. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa Chăm cùng những địa danh gắn liền với lịch sử Tây Sơn – Nguyễn Huệ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình du lịch bằng tàu hỏa đến với Bình Định”, đại diện Cục Du lịch chỉ ra.

Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng, để đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch đường sắt, ngành du lịch và ngành đường sắt cần hợp tác xây dựng các chương trình kích cầu du lịch đường sắt, đồng thời kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia.

Với ngành du lịch của tỉnh, ông Giang đề nghị tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương phát triển các chuyến tàu hoặc toa tàu charter thu hút khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội và các địa phương khác về Bình Định theo định kỳ để hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đường sắt đặc thù thu hút khách du lịch.

Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội thảo.

Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, đưa thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như văn hóa – nghệ thuật, ẩm thực, sản phẩm OCOP… vào hệ sinh thái đường sắt để tăng trải nghiệm cho du khách trong nước và quốc tế trên các toa tàu, chuyến tàu. Xây dựng các sản phẩm chuyên biệt nguyên toa, nguyên chuyến theo yêu cầu dành cho khách du lịch.

“Cần khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng nhiều chương trình du lịch mới gắn với đường sắt và bản sắc du lịch địa phương để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn khi tham gia chuyến tàu du lịch Bình Định. Nâng cao hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch truyền thống nói chung và sản phẩm du lịch đường sắt nói riêng để thu hút khách du lịch đến với Bình Định”, ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.


Minh Thảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm