Thị trường

Bình Thuận: Đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long

DNVN - Được mệnh danh là thủ phủ của trái thanh long, tỉnh Bình Thuận đã áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tưới phun, sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học vào sản xuất nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trái thanh long.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề xuất thu thuế người cho thuê căn hộ chung cư / Xăng, dầu đồng loạt tăng giá

Thanh long là cây trồng chủ lực

Khẳng định được vị thế của mình không chỉ đối với người tiêu dùng trong nước mà còn cả thị trường quốc tế. Nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị được hình thành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình sản xuất thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh với diện tích là 50 ha. Kết quả, sau 05 năm (2016 - 2020) năng suất đã tăng 16,5%, hiệu quả kinh tế tăng 42,5% so với trồng đại trà; tỷ lệ bệnh đốm nâu giảm từ 50% xuống còn 8,3%; hiện nay, mô hình này đã được người dân áp dụng và nhân rộng lên 3.500 ha, trong đó tại huyện Hàm Thuận Bắc là 1.500 ha và Hàm Thuận Nam 2.000 ha. Bên cạnh đó, người dân còn triển khai mô hình hình ứng dụng đèn led và đèn compact trong xử lý thanh long cho ra hoa trái vụ tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…

Thanh long theo mô hình ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôntỉnh Bình Thuậncho biết, hiện nay người dân trồng thanh long đang chuyển dần từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 11.419 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 34% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh) và gần 355 ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalG.A.P. Một số cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai thực hiện sản xuất thanh long theo GlobalGAP như Hợp tác xã thanh long Nam Thuận Việt, Trang Trại Thuận Quý, Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Tân Thuận, Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Khu Lê…

Để giải quyết đầu ra cho quả thanh long, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Nafoods Group để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long giai đoạn 1 với quy mô 54,5 ha/10 hộ; đồng thời, triển khai thực hiện Dự án cấp tỉnh về “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng chuỗi liên kết thanh long theo hướng hữu cơ” với quy mô 30 ha…

Tuy nhiên, theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận chỉ phát triển diện tích khoảng 30.000 ha; nhưng hiện nay đã vượt quy hoạch 3.750 ha. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ quả thanh long tươi và giải quyết nguồn điện phục vụ sản xuất... Do đó, trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tập trung đầu tư, phát triển ổn định diện tích thanh long đến năm 2025 khoảng 34.000 ha, trong đó 70% diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn tốt, hình thành các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, vùng thanh long hữu cơ. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, bảo đảm kiểm soát được chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Trang trại thanh long Hồng Hà, huyện Hàm Thuận Nam

Trang trại thanh long Hồng Hà, huyện Hàm Thuận Nam

Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ:Bình Thuận là một trong 3 tỉnh có tiềm năng phát triển thanh long bền vững lớn nhất cả nước, nhất là điều kiện về thổ nhưỡng, ánh sáng; tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận cần hết sức coi trọng quy mô phát triển để hài hòa với nhu cầu của thị trường; đồng thời, chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh;đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm hạ giá thành đầu tư, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của quả thanh long tươi Bình Thuận trên thị trường.

Thu Nga
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm