Bộ GTVT: Loay hoay với taxi công nghệ nửa vời
(DNVN) - Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải, dư luận cho là bộ đang tắc từ tư duy tới giải pháp. Ngăn cản phát triển, sự tiến bộ, hội nhập công nghệ...
Canada sẽ nằm trong nhóm thành viên đầu tiên của CPTPP / Đầu tư gần 72 triệu USD cho dự án hiện đại hóa ngành ngân hàng
Chính phủ thì quyết tâm...
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu rõ quyết tâm của Chính phủ “bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, nhưng có hiệu quả lớn” trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta đã thấy xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống, như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào. Hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào...đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số.
Với quan điểm “Chính phủ kiến tạo”, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại- thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội.
"Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức với công cuộc cải cách và phát triển đất nước...Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi, từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang
Bộ thì “quay ngược”
“Trong khi Chính phủ rất quyết tâm thay đổi từ nhận thức đến hành động để tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, không hiểu sao với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ lại có những quy định đi ngược với quyết tâm của Chính phủ”. Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Đình Thắng (Hà Nội), sau khi đọc “tâm thư” của Grab Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.
Không phải đến hôm nay, sau “tâm thư” của Grab Việt Nam dư luận mới “ồn ào” về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 do Bộ GTVT “chắp bút”.
Soạn thảo, lắng nghe, chỉnh lý tới lần thứ 6 để trình Chính phủ, nhưng những người quan tâm đến loại hình kinh doanh vận tải “thời công nghệ 4.0” đầy bất ngờ với những quy định mang tính “trói buộc” nhiều hơn là tháo gỡ của Bộ GTVT.
Báo An ninh Thủ đô thì giật tít: Xây dựng kinh doanh vận tải tắc từ duy tới giải pháp. Dẫn lời phát biểu của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico: Dự thảo Nghị định cắt 1 nhưng thêm 3, thậm chí thêm 5 điều kiện khác. Có những điều kiện tưởng được cắt bỏ, nhưng thực chất lại thêm vào chỗ khác.
Luật sư Đức nhấn mạnh: Nguy hiểm nhất là những điều kiện mà Dưj thảo Nghị định đưa ra sẽ ngăn cản sự phát triển, ngăn cản sự tiến bộ, ngăn cản hội nhập công nghệ. Tôi cho rằng, Dự thảo Nghị định này đang đi ngược lại mong muốn, yêu cầu của Chính phủ về cải cách hành chính, về điều kiện kinh doanh. Thậm chí, đi ngược lại mong muốn, mục tiêu của Bộ GTVT đề ra.
Báo Kinh tế đô thị có bài “Thêm quá nhiều thủ tục”; Báo Người lao động với bài “ Sửa đổi Nghị định 86: Ra quy định theo ý bộ trưởng?”. Bài báo dẫn lời TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong xu hướng kinh doanh cũng sẽ có sự xung đột rất gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới. Uber, Grab chỉ là một hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới. Bản chất là chia sẻ nền kinh tế số, dù muốn hay không sẽ vẫn tồn tại.
TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Đừng vì một hiện tượng mà ngăn cản những xu hướng kinh doanh mới…Lúc này quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp.
Và những “lỗ hổng” cần bịt
Theo báo Lao Động, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam bày tỏ: Việc tiếp thu vẫn chưa đầy đủ, thậm chí nhiều điểm có thể nói là “tiếp thu nửa vời”, mà nếu không kịp thời bịt “lỗ hổng” đó trong Dự thảo Nghị định, nó sẽ tiếp tục tạo khe hở để các doanh nghiệp “lách luật”, kinh doanh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải cũng như trốn thuế.
Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải, cần áp dụng công nghệ đối với cả 5 loại hình này để quản lý một cách hiệu quả. Nhưng thực tế, Dự thảo Nghị định hiện nay chỉ quy định việc áp dụng đối với 2 loại hình vận tải là xe hợp đồng và xe du lịch.
Đây là điều không hợp lý, thiếu công bằng, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ 4.0.
Thực tế chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động, nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, “bảo kê” cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông.
Ông Hùng bày tỏ quan điểm: Mặt khác, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử.
"Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập việc áp dụng công nghệ vào hoạt động vận tải ở nước ngoài, nhưng không hiểu sao khi về Việt Nam, đoàn công tác được cử đi học tập lại ngại áp dụng những tiến bộ đó vào Dự thảo Nghị định. Dư luận đặt câu hỏi, liệu “nhà chức trách” có cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm(?)"- ông Hùng bức xúc.
Huyền Lê
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Cột tin quảng cáo