Thị trường

Bộ trưởng Công Thương "đặt hàng" các Thương vụ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp

DNVN - Ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên "đặt hàng" các thương vụ chủ động đi đầu trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), qua đó hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu gỗ 7 tháng đầu năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2021 / Jetstar Airways nhận máy bay A321neo đầu tiên

Những đóng góp tích cực
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022 do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức chiều 29/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại.
Qua đó, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đóng góp của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Nói rõ hơn về đóng góp của các thương vụ trong công tác XTTM phát triển ngoại thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết: Sự phối hợp của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tác động lớn đến hoạt động XTTT phát triển xuất khẩu, qua đó thương mại đạt kết quả tích cực trong 7 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước tính trong 7 tháng đạt trên 435 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 217,7 tỷ USD - tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 217,5 tỷ USD - tăng 14,6%.
Trong hoạt động XTTM hỗ trợ địa phương, DN, các Thương vụ đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong bộ triển khai các hoạt động XTTM trực tiếp và tại địa bàn phụ trách. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động XTTM ứng dụng CNTT và thông qua các nền tảng số. Tích cực quảng bá các sự kiện XTTM lớn tại Việt Nam cho các DN nước ngoài, hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm tại nước sở tại cũng như các DN nước ngoài tham gia các sự kiện tổ chức trong nước.
Các Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại mà nước sở tại áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tích cực tham gia chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc của DN tại các hội thảo phổ biến thông tin và hướng dẫn tiếp cận thị trường...
Nhu cầu lớn về kết nối thông tin
Tại sự kiện, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Ai Cập, Mỹ, Úc, Thụy Điển... đã cập nhật tình hình thị trường sở tại, chính sách mới, và dự báo tình hình, kiến nghị nhằm đưa sản phẩm hàng hoá Việt Nam đi xa và hiện diện vững chắc tại các thị trường, tổ chức các sự kiện, gian hàng Việt Nam ngay tại các địa phương của các nước.
Lãnh đạo nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương cũng như các Thương vụ trong việc hỗ trợ địa phương, DN kết nối cung - cầu, cung cấp thông tin và hỗ trợ tích cực trong hoạt động XTTM. Đồng thời khẳng định, nhu cầu kết nối, cập nhật thông tin của DN và các địa phương là rất lớn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) kiến nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tìm kiếm các đối tác nhập khẩu (NK) trong các FTA để tận dụng lợi thế về NK nguyên phụ liệu ngành da giày, tận dụng tốt hơn các cơ hội cũng như thế mạnh của các nước tham gia FTA.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam đưa ra nhiều kiến nghị.
Ngoài ra, hiệp hội này hy vọng các thương vụ sẽ tiếp tục quảng bá ngành da giày vì hiện nay đơn hàng phải chịu cạnh tranh gay gắt với nhiều nước trong khu vực. Các hệ thống thương vụ sẽ tiếp tục thông tin đến nước bạn về những lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là lợi thế tham gia các FTA để bạn hàng tiếp tục đặt niềm tin và đặt hàng của chúng ta.
Trong khi đó, bà Mai Thị Thùy - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đề xuất các thương vụ khảo sát các hội chợ phù hợp với các ngành hàng Việt Nam.
Trong kiều kiện rủi ro khi xuất khẩu, đề nghị các thương vụ phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng nước sở tại giúp đỡ.
Hiện hàng hóa của các DN Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu mang thương hiệu của DN nước ngoài thay vì thương hiệu của DN mình. Do đó, hiệp hội này kiến nghị Bộ Công Thương và các thương vụ hỗ trợ để sản phẩm mang thương hiệu và đúng tên DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thương vụ cần chủ động, đi đầu trong XTTM
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của DN trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương cố, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.
Chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm