Thị trường

Bộ trưởng Công Thương: Không chủ quan, ảo tưởng khi tham gia EVFTA

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do tốt nhất mà Việt Nam đạt được, tuy nhiên chúng ta không chủ quan, ảo tưởng bởi còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Long An: Nông dân hăm hở mua máy bay không người lái làm lúa / Dịch tả lợn châu Phi: Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà khi tham gia EVFTA và CPTPP

Tại hội thảo "Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA): Cơ hội cho các doanh nghiệp"ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, so với các Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, EVFTA là hiệp định thương mại tự do tốt nhất với Việt Nam.

Hiệp định với những giải pháp, thỏa thuận mang tính công bằng, đảm bảo ở mức độ cao nhất cho Việt Nam, đặc biệt là sự linh hoạt đối với trình độ phát triển của Việt Nam.

"Việt Nam là quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất trong khối thành viên, vì vậy cũng có thể nói đây cũng là FTA tốt nhất mà chúng ta đạt được cả về những lợi ích trước mắt và những lợi ích chiến lược lâu dài của nền kinh tế Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, quá trình đàm phán, ký kết hiệp định rất khó khăn, trải qua rất nhiều giai đoạn vì EU là khối cộng đồng gồm 28 quốc gia thành viên. Bản thân các nước thành viên cũng có những yêu cầu, lợi ích khác nhau. Quá trình rà soát pháp lý cũng đã bộc lộ ra một số vấn đề, khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có quyết sách.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những cơ hội, khó khăn của Việt Nam sau khi ký kết hai hiệp định, Bộ trưởng cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) là những hiệp định thế hệ mới với những chuẩn mực, đòi hỏi cao, mang lại lợi ích rất lớn nhưng cũng đặt ra thách thức cho chúng ta.

Lợi ích chúng ta đã nói nhiều, có nhiều khía cạnh, tác động lan tỏa như tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, thương mại, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, đóng góp GDP tăng trưởng của đất nước, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động, tạo ra nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư nước ngoài…

“Đặc biệt là mục tiêu của chúng ta xây dựng nền kinh tế tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không phụ thuộc vào những đối tác, thị trường nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan, ảo tưởng”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

d
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp và người dân sẽ là chủ thể quan trọng trong nội dung hội nhập của EVFTA. Tuy nhiên, có đến 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những hạn chế như năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, quy mô, nguồn lực, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường thế giới… Vì vậy khi chúng ta trở thành đối tác của khu vực kinh tế hàng đầu thế giới với tổng GDP hơn 18.000 tỷ USD, trình độ phát triển của từng quốc gia, doanh nghiệp cũng hàng đầu thế giới thì rõ ràng đây là cuộc chơi đặt ra nhiều vấn đề lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, trong bối cảnh như hiện nay mặc dù chúng ta có lợi thế nhưng để thâm nhập được vào thị trường châu Âu thì hàng rào thuế quan không phải là tất cả. Những chuẩn mực, đòi hỏi cao của châu Âu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, yêu cầu về điều kiện lao động, môi trường lao động… cũng phải đáp ứng chuẩn mực.

Thứ ba, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, xung đột thương mại trên thế giới. Việc thực thi hiệp định này cũng đòi hỏi năng lực của doanh nghiệp trong việc chủ động tiếp cận hiệp định, chương trình hành động của chính phủ để chúng ta để có cơ chế phối hợp, thực thi tốt.

Thứ tư, thách thức đặt ra rất lớn ngay cho hệ thống thương mại, phân phối bán lẻ trong nước, thị trường nội địa và một số ngành sản xuất vì áp lực cạnh tranh. Áp lực cụ thể cho từng ngành hàng và cho từng sản phẩm của doanh nghiệp, của người nông dân.

Tuy nhiên đã chấp nhận cuộc chơi lớn, toàn cầu hóa, nếu chúng ta vượt qua được thì chắc chắn chúng ta đủ sức để tham dự bất kỳ hình thức nào, quy mô nào của hội nhập thế giới.

“Chúng ta hãy coi rằng đây là cơ hội và những thách thức này sẽ biến thành những giải pháp cụ thể để phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian tới” ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, sau khi tham gia hiệp định, hàng hóa EU sẽ thuận hơn khi vào Việt Nam, cạnh tranh ngay trên sân nhà, trước cửa nhà mình. Nhưng nó sẽ không quá nghiêm trọng vì Việt Nam đã mở cửa cho nhiều đối thủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Newzeland…chúng ta đã mở cửa rồi, nếu không mở cửa cho Châu Âu chúng ta vẫn phải chấp nhận cạnh tranh. Hơn nữa, nhiều sản phẩm Việt Nam và EU không cạnh tranh trực tiếp, đấy là lợi thế của chúng ta.

Theo infonet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm