Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hiệp định VIFTA tạo xung lực thúc đẩy thương mại Việt Nam - Israel
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tạo động lực tăng trưởng / Vì sao giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua?
Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Bên cạnh đó, quốc gia này được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp.
Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD, tăng 0,6%. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30%. Nhập siêu của Việt Nam từ Israel có giá trị 656,5 triệu USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại diễn đàn “Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel” ngày 16/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Kinh tế và Công nghiệp, Đại sứ quán và các cơ quan chức năng của Israel để làm cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Liên quan tới VIFTA, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại, sẽ là xung lực tích cực để thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3-4 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Một trong những kết quả đầu tiên là đường bay thẳng giữa Hà Nội - Tel Aviv - thành phố đông dân thứ hai Israel sẽ được thiết lập vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp hai nước.
Bộ trưởng đề nghị hai bên tích cực phối hợp để hiệp định VIFTA sớm đi vào thực thi, mang lại cơ hội và hiệu quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ông cũng hy vọng các doanh nghiệp Israel sớm có các dự án đầu tư mới vào Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử.
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat cho rằng, việc ký kết VIFTA tạo cơ hội để Việt Nam - Israel đẩy mạnh tăng trưởng trong du lịch, kinh doanh cũng như lĩnh vực khác. Việc tạo hành lang kết nối thuận lợi sẽ giúp nhiều sản phẩm của Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với thị trường Israel. Ở chiều ngược lại, công nghệ của Israel sẽ dễ dàng đến với Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Nir Barkat, hiện Israel muốn tập trung vào các nhóm ngành mà nước này có thế mạnh như công nghệ cao, an ninh nội địa, ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, y tế và các lĩnh vực đời sống, công nghệ sa mạc, nông nghiệp, thực phẩm, du lịch ứng dụng công nghệ cao.
Với thế mạnh của mình, Israel sẽ cung cấp công nghệ, phía Việt Nam thực hiện các hoạt động như marketing, bán hàng. Điều này sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi khi tùy chỉnh theo nhu cầu của các bên, cũng như tương thích với các thị trường trong khu vực.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Israel, chương trình giao thương giữa doanh nghiệp hai nước với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp. Thông qua chương trình giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về nhu cầu xuất – nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo